Hai du khách người Pháp ăn bánh mì mua tại tiệm bánh mì Huỳnh Hoa trên đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là lần đầu tiên tôi được ăn bánh mì! Tôi thích hương vị tươi ngon của đồ ăn Việt Nam
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull
10h sáng chủ nhật một ngày tháng 8-2018, con phố Waseda Dori (Tokyo, Nhật Bản) còn thưa thớt người qua lại. Cánh cửa tiệm Xin Chào khép hờ, nhân viên còn đang loay hoay sắp xếp nguyên vật liệu trong quán và nướng bánh thì đã thấy hai vị khách Nhật chờ sẵn.
Sau khi xuất hiện trên tờ Chunichi - một nhật báo lớn tại Nhật đầu năm 2017, tiệm bánh mì Xin Chào ở Tokyo hiện trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực Việt được nhiều người biết đến tại xứ sở hoa anh đào.
"Taste bánh mì, taste Việt Nam"
"Khi còn ở Việt Nam, tôi ăn bánh mì ít nhất 2 lần mỗi tuần, phải nói món này ngon tuyệt. Bạn gái tôi mỗi lần qua Việt Nam thăm tôi đều thưởng thức món bánh mì và cũng rất thích" - anh Yamaguchi Takashi (từng làm việc một năm tại TP.HCM) vừa cười tít mắt khi cắn ổ bánh mì thịt, uống ly nước ép cam kiểu Việt vừa nói.
Còn chị Ayaka Oishi (cố vấn tại Tập đoàn IBM Nhật Bản), người bạn gái đi cùng anh, nói thêm: "Tôi nhớ mãi hương vị bánh mì xốp giòn ngon tuyệt mà lại rẻ trên đường phố Sài Gòn. Rất nhiều bạn bè người Nhật của tôi thích món bánh mì".
Là đồng sáng lập tiệm bánh mì Xin Chào, hai người con xứ Quảng Bùi Thanh Duy (32 tuổi), Bùi Thanh Tâm (27 tuổi) cho biết sau hai năm thành lập thì hiện số lượng khách tăng "vượt mong đợi", bán ra khoảng 200 ổ mỗi ngày.
"Thời điểm mới mở thì khách hàng phần lớn là người Việt, còn bây giờ số lượng khách Tây, khách Nhật đã xấp xỉ với khách Việt" - Thanh Tâm cho biết.
Quán Xin Chào là quán không chỉ bán bánh mì (với giá trung bình 530-680 yen, tương đương 110.000-140.000 đồng/ổ) mà còn bán cà phê sữa đá, chè thập cẩm, bánh tráng trộn... và đều được khách hàng Nhật thích thú thưởng thức.
"Chúng tôi mong những ổ bánh mì Xin Chào sẽ góp phần giới thiệu ẩm thực, con người Việt đến với bạn bè quốc tế" - Thanh Tâm giải thích về khẩu hiệu của quán "Taste bánh mì, taste Việt Nam" (tạm dịch: Nếm bánh mì, nếm cả Việt Nam).
Ngồi giữa lòng Tokyo, cắn một miếng bánh mì chả bò, ớt hiểm và nếm ly cà phê sữa đá kiểu Việt giữa không gian đông nghẹt khách Nhật lẫn khách ta, tiếng í ới đặt hàng liên tục... ắt hẳn bất kỳ người con đất Việt nào cũng thấy dâng lên niềm tự hào.
Tiệm bánh mì Xin Chào ở Tokyo của hai anh em người Việt xứ Quảng - Ảnh: C.NHẬT
"Banh mi" ở Singapore
Có thể nói bánh mì bán ở nhà hàng NamNam (tầng trệt tòa nhà Plaza Singapura, con phố nổi tiếng mua sắm Orchard tại Singapore) là món đặc sản ở đây. Tủ kính nhỏ có ba ngăn để nguyên liệu bánh mì và hai dòng chữ "NamNam bánh mì pate thịt nguội xíu mại" và dòng dưới "thịt nướng chả cá chay cà phê".
Đập vào mắt thực khách là poster to đùng bên dưới tủ bánh mì giới thiệu gói ăn sáng "tổng hợp" bánh mì và cà phê Việt với giá 7,5 SGD (khoảng 130.000 đồng).
Bánh mì bán ở đây chính là loại bánh mì baguette đặc ruột như được bán ở Việt Nam. Nguyễn Đăng Linh, quản lý người Việt Nam đã có gần sáu năm liền làm việc ở nhà hàng, cho biết nhà hàng có 105 chỗ ngồi nhưng nếu vào giờ cao điểm buổi trưa luôn có trên dưới 20 người xếp hàng để chờ tới lượt.
Trên website công ty này cho biết ông Nam, chủ thương hiệu, sinh ở Việt Nam nhưng đến năm 7 tuổi ông cùng gia đình di cư sang Đan Mạch. Ông học nấu ăn rồi làm nhà hàng với những món Việt đặc trưng.
Năm 2012 ông muốn quay về nguồn gốc của mình với việc mở nhà hàng NamNam Noddle Bar ở Singapore.
Niềm tự hào khó tả
Một ngày đầu mùa hè 2018, tiến sĩ Trần Minh Tâm (giảng viên ĐH Alberta, Canada) nhắn vào inbox Facebook của người viết, khoe: "Bánh mì Việt vừa được xuất hiện tại một chuỗi cà phê lớn hàng đầu thế giới ở khu vực của tôi.
Thật sự cảm thấy rất vui khi một món ăn dân dã đời thường của Việt Nam nay lại đường hoàng xuất hiện ở một tiệm lớn tại trời Tây và được cả ta lẫn Tây nồng nhiệt đón nhận, càng tự hào khó tả hơn khi thấy họ đã dùng từ "bánh mì" chứ không phải một từ Tây nào đó để thay thế".
Còn tại thành phố Sydney (Úc), chị Anh Phạm (36 tuổi, công dân Úc) cho biết rất nhiều nơi nói chung, khu Bankstown mà chị ở nói riêng có khá nhiều cửa hàng bánh mì và đều khá đắt khách.
"Chồng tôi ăn bánh mì hầu như mỗi tuần. Mỗi khi cả gia đình đi chơi xa, chúng tôi cũng mua bánh mì vì vừa "nhanh, gọn, lẹ", vừa "ngon, bổ, rẻ" vì có đủ rau, tinh bột lẫn thịt.
Ở Úc theo tôi biết có R. - một thương hiệu bánh mì rất nổi tiếng - đã nhượng quyền và ông chủ gốc Việt giờ thành triệu phú đôla" - chị Anh Phạm cho biết.
Truyền thống và hiện đại ở Toronto
Ở Toronto (Canada) có Nguyên Hương - tiệm bánh mì có tuổi đời hơn 30 năm rất nổi tiếng tại đây. Chỉ cần 2,75 USD cho một ổ bánh mì lớn với các loại nhân quen thuộc như thập cẩm, chả, nem nướng hay chà bông, người xa xứ lập tức như được đưa trở về những miền ký ức xa xôi nơi cố quốc.
Ổ bánh mì Nguyên Hương rất truyền thống Sài Gòn với vỏ mỏng, xốp, đồ chua, hành ngò, bơ, patê, giò chả. Có lẽ vì chủ tiệm từng kinh doanh bánh mì ở Sài Gòn khá lâu trước khi mang món ăn quê hương này đến Toronto những năm cuối thập kỷ 1980.
Từ một địa điểm ban đầu, nay Nguyên Hương đã có khoảng 6 tiệm khắp các khu vực khác nhau của Toronto và các vùng phụ cận.
Với cộng đồng người Việt trải rộng ở nhiều khu vực, Toronto có rất nhiều địa chỉ có tiếng khác như bánh mì Ba Lẹ ở Dundas, bánh mì Quê Hương ở Finch hay Hoa Hồng ở Gerrad...
Đặc biệt, khi thế hệ di dân thứ 2 bắt đầu trưởng thành và bánh mì trở thành một món ăn mang tính quốc tế, một làn sóng bánh mì mới bắt đầu được hình thành tại đây và các chuỗi bánh mì mới bắt đầu được thay đổi, cách tân để nhắm đến những đối tượng khách hàng khác nhau.
Banh Mi Boys - một trong những cái tên đi đầu trong làn sóng này - lại chính là truyền nhân thế hệ thứ 2 của gia đình Nguyên Hương. Các món mới như bò kalbi (kiểu Hàn), mực, vịt confit (kiểu Pháp) được đưa vào làm nhân bánh mì, với vỏ bánh được làm mềm và ít xốp hơn.
Các loại nhân truyền thống như thịt heo ngũ vị hay gà chiên cùng đồ chua và hành ngò lại được kẹp trong bánh kẹp taco của người Mexico hay bánh bao hấp...
Có thể thấy, theo dấu chân "di cư" của ổ ở nước ngoài chính là dõi theo một câu chuyện văn hóa, khi những người xa xứ mang hương vị quê hương ra đi và góp phần truyền bá đi khắp thế giới.
Giữ gìn hay thay đổi không còn là câu hỏi, mà cần phải làm gì để giữ gìn và thay đổi như thế nào để hương sắc Việt ngày càng đậm đà và được nhìn nhận.
Cà phê sữa đá - "ngôi sao đang lên"
Cà phê sữa được bày bán tại chợ Whole Foods (bang Virginia, Mỹ), đây là chợ bán thực phẩm organic - Ảnh: LÊ PHƯƠNG THẢO
Ngoài phở và bánh mì thì một "thành viên khác" của nền ẩm thực Việt cũng đang ngày càng thu hút sự chú ý của những người đam mê ăn uống trên thế giới là cà phê sữa đá.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng bày tỏ mong muốn được thưởng thức món thức uống này. Cũng trong năm đó, trang tin du lịch Traveller của Úc đã bình chọn cà phê sữa đá của Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 món cà phê ngon nhất thế giới, chỉ xếp sau Espresso của Ý.
"Cà phê ở Việt Nam được pha chế không giống nơi nào khác trên thế giới. Đổ nước nóng vào một chiếc phin đựng cà phê xay, sau đó đợi từng giọt cà phê nhỏ giọt qua bình lọc và rơi vào một lớp sữa đặc. Thêm vào một ít đá, khuấy đều, vậy là bạn đã có một ly thức uống giúp tỉnh táo ngon lành", trang này viết.
Trên một số diễn đàn của người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, nhiều thành viên không ngại bày tỏ niềm yêu thích của mình đối với cà phê sữa đá Việt Nam. "Một trong những điều tuyệt vời mà tôi yêu thích ở đây chính là cà phê sữa đá", một người viết. (NGỌC ĐÔNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận