Phóng to |
Nhiều người đeo khẩu trang khi đến siêu thị - Ảnh: M.Lăng |
Mặc dù cúm A/H1N1 bùng phát và đã được xử lý, ngăn chặn tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM nhưng vẫn còn nhiều gia đình quanh đó cho con đi “chạy dịch”...
“Chạy dịch”
Vợ chồng chị Đỗ Thị Kim Sơn, nhà gần Trường Ngô Thời Nhiệm, có hai đứa con đang học lớp 6 và lớp 4, còn con út mới 3 tuổi đều được đưa đi “chạy dịch”. “Phát dịch được hai ngày là vợ chồng tôi bàn nhau đưa con về nhà ngoại ở tận Vũng Tàu tránh dịch. Phải di tản thôi, khi đã yên tâm hoàn toàn thì đưa về...” - chị Sơn nói.
Ông Lê Văn Thành, nhà cũng gần trường này, đưa hai con trai đang học THCS về “lánh dịch” bên nhà người quen ở Bến Lức, Long An. “Mấy ngày nay tụi nó đã nhập học rồi nhưng tôi vẫn chưa yên tâm cho về nhà. Sáng, hai vợ chồng chịu khó dậy từ 3g thay nhau về Long An đón tụi nó đi học rồi chiều xin nghỉ làm sớm đón tụi nó về. Cực một tí, phòng bệnh hơn chữa bệnh...” - ông Thành bảo vậy.
Dịch cúm cũng đã ảnh hưởng trầm trọng đến việc buôn bán của nhiều quán ăn gần cổng Trường Ngô Thời Nhiệm. Quầy cơm tấm bằng xe đẩy của bà Nguyễn Ngọc Ánh ảm đạm như... chùa bà Đanh. Thi thoảng có một vài khách lạ ghé vào ăn đĩa cơm rồi lặng lẽ trả tiền và vội vã đi ngay.
“Những tuần lễ đầu tôi phải nghỉ bán vì không có khách. Các quán hủ tiếu, bánh mì gần đây cũng nghỉ theo. Mấy ngày nay thấy tình hình yên yên mới bán trở lại nhưng ế ẩm quá. Hồi chưa phát dịch, tôi bán đến 8 giờ sáng đã hết sạch. Còn mấy bữa nay giảm hơn phân nửa số gạo, thức ăn mà gần trưa vẫn còn quá trời”, bà Ánh buồn thiu nói.
Nhiều tiệm cơm trong hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) chuyển sang bán cho khách theo phương thức đăng ký từ xa. Chị Huyền, chủ một tiệm cơm, cho biết: “Dạo này lượng khách đặt cơm qua điện thoại tăng lên đột biến. Nhân viên giao hàng chạy tóe khói mà vẫn bị khách í ới la lối vì đến trễ. Rất ít khách chịu đến quán ăn như trước đây. Khi tới giao cơm, có chỗ người ta đeo khẩu trang kín mít, xuống nhận cơm rồi vội vàng nhét tiền trả!”.
Theo ông Trần Văn Sơn, chủ nhà hàng Dạ Lan trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, dù khách thường xuyên của quán là dân nhậu vốn ít sợ... cúm nên tình hình buôn bán không quá bi đát, nhưng tính bình quân lượng khách đến nhà hàng cũng giảm hơn 1/3 so với trước đây, nhất là khách dạng tập thể, gia đình. Và khách ăn nhậu bây giờ cũng thích ngồi phòng riêng đề phòng bị lây cúm.
Cúm A/H1N1 cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh tiệc cưới. “Chúng tôi đã tung nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn nhưng hầu như không ăn thua. Trước đây mỗi đám cưới của giới công nhân đặt chừng 20 bàn, từ dạo có dịch chỉ đặt trên dưới 15 bàn, có trường hợp chỉ 10 bàn. Vậy mà khách vẫn lưa thưa. Hơn 10 năm tổ chức tiệc cưới, chưa bao giờ tôi thấy thức ăn sau tiệc dư thừa ê hề như bây giờ...” - chủ một nhà hàng tổ chức tiệc cưới trên đường xuyên Á (gần KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức) rầu rĩ cho biết.
Anh Minh Hiển, vừa tổ chức đám cưới ở một nhà hàng gần KCN Sóng Thần (Bình Dương), kể: “Lúc đầu chúng tôi định làm 33 bàn vì họ hàng rất đông, nhưng nhớ tới vụ cúm A nên quyết định làm 25 bàn thôi. Vậy mà vẫn trống tám bàn! Nhiều bàn cũng không đủ người. Có người tới rút túi ra cả chục phong bì do người khác gửi! Bạn tôi tổ chức cùng ngày còn thê thảm hơn, chưa đến 2/3 khách dự! Có người đeo khẩu trang đến để cô dâu chú rể thấy mặt rồi về ngay. Đám cưới mà vắng hoe như chợ chiều...!”.
Bà Nguyễn Thu Hòa, chủ hoa viên Hồng Phúc, đường xuyên Á, bảo chưa bao giờ đám cưới mà “âm suy, dương thịnh” như thời dịch cúm: hơn 3/4 khách là đàn ông, chủ yếu là mấy ông già! Mỗi bàn chỉ 4-5 người ngồi, thờ ơ ngó mâm thức ăn đầy ụ và nhìn nhau nhưng không buồn nói chuyện vì sợ... cúm!
Người lo lắng, kẻ vô tư
Một số siêu thị, trung tâm thương mại, chợ búa... cũng trở nên vắng vẻ hơn. Lượng người đi mua sắm đeo khẩu trang bít bùng khá nhiều. Hơn 8g tối, tại siêu thị Co-op Mart Thủ Đức không còn cảnh chen chúc xếp hàng đứng chờ thanh toán tiền như trước đây. “Đi siêu thị dạo này sướng lắm. Mình đi một vòng nhởn nhơ lựa thoải mái mà không phải lo mau mau ra tính tiền để tránh cảnh xếp hàng chờ nữa” - một khách hàng đang tính tiền tên Hà Thơ, nhà ở quận 9, TP.HCM, nói. Khu vực bán xà phòng, nước súc miệng và khăn giấy được nhiều người ghé lại nhất. “Tôi đọc báo thấy nói rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng cũng là một cách phòng cúm nên mua hẳn mấy cục về cho cả gia đình xài”, một chị bịt khẩu trang kín mít bảo vậy.
Thông tin về dịch cúm cũng là đề tài “nóng” đối với người dân ngoại thành TP.HCM. Chị Nguyễn Thị Thanh, một tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Bình Khánh, Cần Giờ, tỏ ra rất cẩn thận. Đeo kín khẩu trang, chị nhìn người lạ đầy cảnh giác, lắc đầu: “Ngồi bán hàng cho khách lúc nào tui cũng đeo khẩu trang, găng tay... cho chắc ăn. Khó chịu thiệt nhưng đỡ hơn bị cúm. Mà mấy bà đi chợ cũng đeo khẩu trang, cũng cảnh giác giống như mình”.
Ông Nguyễn Văn Đằng, trưởng Ban nhân dân ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, cho biết: “Dân vùng ven dạo này cũng theo dõi, đề phòng cúm cao độ. Ngoài việc hằng ngày tuyên truyền trên loa phóng thanh, buổi sáng từ 5 giờ 30, chiều 17 giờ 30, chúng tôi còn triển khai cho các ban, ngành đến trực tiếp các hộ gia đình tuyên truyền và phát xà phòng miễn phí. Chủ động phòng tránh trước khi dịch lây lan ở địa phương mình...”.
Trong khi đó một bà bán hột vịt lộn, gỏi vịt buổi tối ở chợ chồm hổm (gần cầu vượt Linh Xuân, quận Thủ Đức) ho sù sụ, văng cả nước bọt vào đĩa gỏi vịt đang làm cho khách, nói tỉnh bơ: “Tôi bị sốt, ho mấy bữa nay nhưng chẳng cần đi khám. Tự khỏi thôi mà. Sống chết có số rồi! Càng kỹ lại càng dễ chết...”. Mấy bà bán hàng rong gần đó cùng với mấy ông nhậu hưởng ứng theo: “Cúm H1N1 là gì vậy. Có nghe nói mang máng nhưng để ý làm gì. Cứ vô tư đi. Mấy con vi rút cúm gì đó ở tận đâu trong TP mà. Ngoài này xa lắm, còn lâu dịch mới đến...”.
“Nóng” cả trên mạng... Một trong những trang web được xem là khá “hot” có nhiều người quan tâm là www.benhcum.com những ngày qua gần như quá tải lượng người truy cập vào các nội dung tư vấn, phòng chống cúm A/H1N1. Còn trên diễn đàn của www.clip.vn thì nickname sansan9x post hẳn bài hướng dẫn cách làm khẩu trang tự chế với lời nhắn nhủ: “Hi vọng đóng góp này giúp người dân cả nước phòng tránh được việc lây lan cúm A/H1N1 và tiết kiệm tiền bạc trong thời buổi kinh tế khó khăn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận