NCB tăng cường hợp tác với đối tác trong và ngoài nước - ảnh NCB cung cấp
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, áp lực tăng vốn để đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng trong năm 2019, vì Thông tư số 41 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn được hiểu ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với trước đây để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả.
Chẳng hạn, theo ông Hiếu, một khoản vay 100 đồng, nếu tính hệ số rủi ro là 100%, tỉ lệ an toàn vốn là 8% thì 100 đồng cho vay ra ngân hàng cần có 8 đồng vốn chủ sở hữu.
"Nhưng với cách tính theo công thức mới, hệ số rủi ro sẽ tăng lên 200%, ngân hàng cho vay 100 đồng thì cần phải có 16 đồng vốn chủ sở hữu", ông Hiếu nói.
Một trong những cách mà nhiều ngân hàng chọn để tăng vốn là có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam.
Ngoài việc nâng cao khả năng tài chính, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại cũng giúp các ngân hàng Việt Nam tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời khẳng định được tầm vóc, thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế.
Không nằm ngoài các tiêu chí trên, Ban Lãnh đạo NCB xác định tìm kiếm nhà đầu tư làm cổ đông chiến lược của mình phải đảm bảo uy tín, có năng lực tài chính và hỗ trợ NCB nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, áp dụng công nghệ hiện đại, phất triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng,phát triển sản phẩm các lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.
Ông Vũ Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng quản trị NCB - cho biết ngân hàng này không lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược bằng mọi giá bởi việc lựa chọn cổ đông chiến lược phải mang lại lợi ích lâu dài cho hai phía.
Theo ông Tiến, NCB tìm nhà đầu tư chiến lược dài hạn phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng hàng. Trước khi tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, NCB đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp với nhu cầu và đặc điểm thực tế của mình, gồm tổng tài sản, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế,...
"Lựa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài là một quá trình khá phức tạp, vừa phải tìm một đối tác phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, vừa phải tuân thủ những quy định luật pháp liên quan đến cổ đông chiến lược", ông Tiến chia sẻ.
Theo NCB, khi lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, không chỉ riêng NCB mà các ngân hàng Việt Nam đều mong muốn được tiếp cận một hệ thống quản trị nội bộ tiên tiến hơn và được cổ đông chiến lược nước ngoài hỗ trợ quản trị nguồn nhân lực, sắp xếp lại mô hình hoạt động theo hướng hiện đại hơn, quản lý hoạt động ngân hàng mang dáng dấp của ngân hàng hiện đại.
Hơn nữa, tìm một đối tác chiến lược để hỗ trợ NCB phát triển mạnh ngân hàng số (digital banking) là một điều rất quan trọng.
Digital banking, theo ông Tiến, là xu hướng toàn cầu, NCB không có lựa chọn nào khác hơn là đầu tư và đẩy mạnh loại hình ngân hàng này để đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân và để hội nhập nhanh vào cộng đồng ngân hàng toàn cầu.
Góp ý cho NCB trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ban Lãnh đạo NCB nên có kế hoạch đưa NCB vào nhóm các ngân hàng bậc trung thông qua việc tăng vốn điều lệ và tổng tài sản trong vòng 5 năm tới. Không chỉ tìm nhà đầu tư hỗ trợ vốn, NCB cần tìm một bạn đồng hành trong việc xây dựng và phát triển NCB trở thành một trong những ngân hàng của Việt Nam tiên phong tiến vào thị trường tài chính trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận