Như vậy, tính đến nay, NCB là một trong những tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành các thủ tục phê duyệt phương án cơ cấu lại xây dựng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 thuộc quyết định 689 của Thủ tướng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, đánh dấu một giai đoạn mang tính bước ngoặt trong hành trình tái cơ cấu của ngân hàng này.
Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình
NCB cho biết phương án cơ cấu lại ngân hàng này được NCB xây dựng cùng 1 trong 4 đơn vị tư vấn uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng là Công ty TNHH Ernst & Young (E&Y) và công ty KPMG - đối tác tư vấn nhiều kinh nghiệm và uy tín hàng đầu trên thị trường.
Phương án tái cơ cấu của NCB trình bày đầy đủ, toàn diện thực trạng hoạt động của ngân hàng trên mọi khía cạnh. Trên cơ sở đó, ngân hàng và các đơn vị tư vấn xác định mục tiêu, giải pháp tổng thể, toàn diện khắc phục căn bản các vấn đề tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đảm bảo NCB phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Phương án đã được Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến ngày 7-2 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tháng 6 vừa qua.
Đại diện NCB cho biết, ngân hàng đã khẩn trương và quyết liệt triển khai việc phân loại lại tài sản có theo phương án cơ cấu lại ngay sau khi được phê duyệt.
Sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỉ đồng dự kiến vào quý 4 năm nay, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu đã được phê duyệt, đảm bảo mục tiêu hoạt động hiệu quả và bền vững.
Cũng theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, NCB sẽ tăng vốn thêm 23.500 tỉ đồng trong vòng 5 năm. Như vậy, dự kiến quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ đạt hơn 29.000 tỉ đồng vào năm 2028.
Đồng thời, ngân hàng sẽ hoàn thành việc xử lý các tài sản tồn đọng và hoàn thành phương án cơ cấu lại vào năm 2029, đưa NCB trở thành một trong những ngân hàng uy tín, lành mạnh, hiệu quả, cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính tốt nhất trên thị trường.
Đây là động thái tích cực bởi sự công khai, minh bạch sẽ giúp ngân hàng tìm kiếm được giải pháp bài bản, đúng đắn để giải quyết căn bản các tồn đọng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây cũng là lý do chính khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng cao tại thời điểm 30/6/2024.
Theo NCB, việc bắt tay vào công cuộc tái cấu trúc một cách bài bản, toàn diện theo giải pháp tổng thể và lộ trình rõ ràng đã được phê duyệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức là nỗ lực to lớn của cả bộ máy NCB.
Đồng thời, đây cũng thể hiện cam kết cao nhất của ngân hàng đối với đối tác, khách hàng, cổ đông trong việc quyết tâm đưa NCB trở thành một ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
NCB cũng khẳng định đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục. Các chỉ số an toàn hoạt động tuân thủ tuyệt đối theo quy định. Mọi tài sản, giao dịch tại NCB đều được bảo đảm an toàn và không ngừng gia tăng giá trị cho khách hàng.
Kết thúc nửa đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh doanh tích cực
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 6 tháng đầu năm nay vừa được NCB công bố, NCB đã đạt nhiều kết quả tích cực, duy trì hoạt động an toàn, ổn định.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập hoạt động của NCB đạt hơn 720 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 49,6 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 303% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động kinh doanh chứng khoán của NCB tiếp tục là điểm sáng, với mức lãi hơn 122,2 tỉ đồng.
Niềm tin của khách hàng đối với NCB ngày càng được củng cố, thể hiện ở mức tiền gửi khách hàng liên tục tăng trưởng trong một năm qua. Tính đến 30-6, tiền gửi khách hàng tăng hơn 11% so với cuối năm 2023, tương ứng mức tăng gần 8.563 tỉ đồng. Số dư tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng hơn 483 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Cho vay khách hàng đạt 64.198 tỉ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2023.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của NCB đạt 103.312 tỉ đồng, tăng 7,3% so với thời điểm cuối 2023. Tỉ lệ dự trữ thanh khoản đạt 13,84%, đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng lợi nhuận trước thuế của NCB ghi nhận mức lãi 7,2 tỉ đồng.
Đã xác định 13 nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký mua cổ phiếu
Được biết, NCB đã xác định được 13 nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký mua cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và đang tiếp tục đẩy nhanh lộ trình, quyết tâm hoàn thiện tăng vốn theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua hồi tháng 4 vừa qua.
Dự kiến, sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỉ đồng, NCB sẽ không chỉ sở hữu và duy trì một "bộ đệm thanh khoản" tốt, mà còn tăng cường được nguồn lực tài chính để tái cơ cấu toàn diện ngân hàng và triển khai các bước đi mang tính đột phá, hướng tới mục tiêu chiến lược mới.
Cuối năm nay và đầu năm 2025, ngân hàng này sẽ cho ra mắt giải pháp quản lý gia sản hỗn hợp số đầu tiên mang tính vượt trội và chưa từng có tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, NCB cũng liên tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao, nâng cao năng lực điều hành. Mới đây, ngân hàng đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Hợi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, những bước đi mạnh và quyết liệt của NCB đã cho thấy sự quyết tâm, chủ động của ngân hàng này, hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận