Các quan chức Mỹ và châu Âu đã âm thầm trao đổi với Chính phủ Ukraine về việc hòa đàm với Nga nhằm chấm dứt xung đột, Đài NBC (Mỹ) ngày 4-11 dẫn nguồn tin từ quan chức và cựu quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
Các đối thoại bao gồm các kế hoạch khái quát về những gì Ukraine có thể phải từ bỏ để đạt được thỏa thuận với Nga, nguồn tin cho biết.
Một số trao đổi đã diễn ra vào tháng 10, trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine, bao gồm 50 quốc gia ủng hộ Ukraine, trong đó có cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bế tắc
Các thảo luận diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ và châu Âu lo ngại xung đột Nga - Ukraine "đã đi vào bế tắc", cũng như những khó khăn về khả năng tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden lo rằng Ukraine đang cạn kiệt lực lượng, trong khi Nga có "nguồn cung dường như vô tận".
Ukraine cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc tuyển quân và đã vấp phải sự phản đối của công chúng về yêu cầu nhập ngũ không giới hạn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Chính phủ Mỹ cũng cảm thấy băn khoăn khi công chúng ngày càng ít chú ý đến cuộc chiến ở Ukraine, sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7-10 - một sự thay đổi có thể khiến việc viện trợ bổ sung cho Kiev trở nên khó khăn hơn.
Bày tỏ với các đồng minh châu Âu, giới chức quân sự Mỹ nói Ukraine có thể chỉ còn thời gian đến cuối năm nay hoặc lâu hơn thế một chút, trước khi các cuộc đàm phán cấp bách hơn về hòa đàm nên bắt đầu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Mỹ Adrienne Watson tuyên bố "mọi quyết định về đàm phán đều tùy thuộc vào Ukraine", Washington vẫn tập trung vào việc ủng hộ mạnh mẽ Kiev trong cuộc chiến "bảo vệ tự do, độc lập".
Theo NBC, để khuyến khích ông Zelensky đàm phán, NATO có thể đưa ra cho Kiev một số đảm bảo an ninh, dù Ukraine không phải là thành viên của liên minh quân sự này.
Ông Putin có sẵn sàng đàm phán?
Nguồn tin của NBC nói không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với Ukraine.
Quan chức phương Tây nhận định tổng thống Nga tin rằng ông có thể tiếp tục chiến đấu cho đến khi Mỹ và đồng minh mất đi sự ủng hộ trong nước với việc viện trợ cho Ukraine, hoặc việc cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine trở nên quá tốn kém.
Cả Nga và Ukraine đều đang gặp khó khăn trong nguồn cung đạn dược. Phương Tây cho biết Nga đã tăng cường sản xuất đạn pháo và trong vài năm tới có thể sản xuất 2 triệu quả đạn mỗi năm.
Nga cũng đã tiêu tốn 10 triệu viên đạn ở Ukraine vào năm 2022, vì vậy nước này sẽ phải dựa vào nguồn đạn dược từ các quốc gia khác.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết chính quyền của ông Biden đã chi 43,9 tỉ USD để hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022. Hiện Mỹ còn khoảng 5 tỉ USD để gửi cho Ukraine.
Ông Biden cũng trấn an các đồng minh rằng Quốc hội nước này sẽ phê duyệt viện trợ bổ sung cho Ukraine và đang lên kế hoạch cho bài phát biểu quan trọng về vấn đề này.
Tỉ lệ ủng hộ viện trợ cho Ukraine giảm
Kết quả thăm dò được Công ty tư vấn và nghiên cứu Gallup (Mỹ) công bố vào tuần này cho thấy 41% người Mỹ cho rằng chính phủ của họ đang làm quá nhiều để giúp đỡ Kiev. Tỉ lệ này vào ba tháng trước là 24%.
Ngoài ra, 33% người Mỹ cho rằng nước này chưa làm đúng mức cho Ukraine, trong khi 25% người được khảo sát nói rằng Mỹ làm chưa đủ cho Kiev.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận