Này trí tuệ nhân tạo, bạn có thể viết :“Anh toát ngời u sầu”?

ĐỖ HOÀNG DIỆU 02/07/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Khi nào trí tuệ nhân tạo viết văn như Trần Vũ, chuyển ngữ được Ulysses, lúc đó chắc tôi cũng không còn dám viết gì.

 
 

 "Anh toát ra vẻ u uẩn, sầu muộn. Trông anh lúc nào cũng buồn. Gương mặt anh chẳng bao giờ vui. Anh có khí chất tiêu cực".

Để miêu tả người đàn ông u buồn, có lẽ AI - trí tuệ nhân tạo sẽ viết như vậy. Lắp ghép các từ có sẵn trong từ điển thành câu văn cân bằng, đủ chủ ngữ - vị ngữ và đơn giản. Câu văn bất cứ ai cũng hiểu, đọc lên không băn khoăn không cau mày, không giật mình thảng thốt. Câu văn ai cũng viết được, từ học sinh lớp 5 cho tới thầy giáo trung học, đến các nhà văn bình thường. Những câu văn đó kể câu chuyện anh họ gì, quê anh ở đâu, anh rời đất nước trên chiếc tàu mang tên một danh nhân, anh nhớ cha mẹ nhớ quê hương, anh gặp cô gái Ba Lan, anh đánh cờ cùng cô rồi rủ cô về phòng ngủ, rồi họ chia tay nhau, và cuối đời gặp lại.

Trần Vũ, nhà văn xuất sắc có phong cách “bất bình thường” không viết như vậy. “Anh toát ngời u sầu” là câu văn của anh tả nhân vật thiếu niên tỵ nạn miền Nam sống một mình trong cô nhi viện nước Pháp, chiều chiều ngồi trên bậc thềm đá nơi xứ sở xa lạ mà ngỡ đang ngồi trong rạp Rex cùng cha xem phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ. 

U sầu, tính từ thường làm người ta nghĩ tới gương mặt xanh xao và đôi mắt rười rượi. Nhưng “toát ngời u sầu” đã làm gương mặt đó thay đổi, vẻ buồn thành ánh sáng, vẻ sầu thành tinh anh. Thiếu niên vụt hiện lên rực rỡ trong biển mù trầm mặc yên ắng đầy kiêu hãnh.

AI, bạn viết những câu đúng ngữ pháp, đơn giản, dễ hiểu, kể câu chuyện lớp lang theo mô hình kim tự tháp xuyên từ hôm qua đến hôm nay sang ngày mai, bạn thật giỏi. Bạn có thể là thợ viết, nhưng bạn không bao giờ thay thế được nhà văn, những nhà văn đặc biệt mà đọc nửa trang chúng ta đã biết đó là ai.

Vậy có khi nào các nhà văn bình thường sẽ bị AI thay thế trong tương lai? Chỉ còn lại những tác giả đặc biệt đứng đó, sừng sững giữa bầu không khí đậm đặc ánh sáng địa ngục hòa bóng tối thiên đường, rồi xoay người uyển chuyển khiêu vũ cùng ngôn từ trong biển mù tiềm thức, ý thức, lịch sử, chính trị, tôn giáo? Không, chắc không. Nước Việt là cường quốc văn thơ, người Việt ai cũng viết, mỗi con người là một bài thơ, mỗi nhành hoa là một chuyện kể. Dù giản đơn, chân phương nhưng họ viết bằng trái tim bằng khát khao, điều mà AI không có và không thể. AI không bao giờ thay thế nổi con người.

Google Translate đang giúp nhân loại giao tiếp với nhau và thu nạp kiến thức. Đó quả là một công nghệ tuyệt vời. Nhưng cái ngày mà máy dịch chuyển đổi ổn thỏa Ulysses của James Joyce sang tiếng Việt chắc không đến sớm. Và có những kiểu viết văn vượt chuẩn, vượt ngưỡng hiểu của con người.

Tôi vẫn quý trọng và biết ơn Google Translate vô cùng. Không có Google, tôi sẽ viết cuốn Lưng Rồng thế nào? Tốt hơn hoặc tệ hơn đều là câu trả lời đúng, tùy cách diễn giải. Số là nhân vật cô gái trong truyện muốn xăm tấm bản đồ đất nước vào lưng, một hình xăm dài vắt từ đốt sống cổ tới xương cụt, trong khi tôi - tác giả - mù tịt tất tật mọi thứ liên quan đến xăm. Nói một cách thẳng thật, tôi không thích hình xăm trên da con người, cả nam lẫn nữ. Phải làm sao, làm sao để biết thủ tục, nghi lễ, phương tiện, hành động, cảm giác của một buổi xăm? 

Có vài lần, tôi định tới hàng xăm, đề nghị người ta  xăm cho mình một con chữ, một ký hiệu gì đó lên bả vai để có trải nghiệm. Nhưng dự định đó bị nỗi băn khoăn trì hoãn, bị nỗi sợ ngáng đường. Đâu cứ phải giết người rồi mới viết được truyện vụ án. 

Thế là tôi vào Google tìm hiểu mọi thứ về xăm. Để sau này, khi truyện đã in thành sách, lại có lúc ân hận. Rằng nếu mình đã là người nằm sấp giơ lên tấm lưng trần, đã để cho mũi kim lún qua da, đã rên lên ôi đau quá đau quá, đã háo hức chờ mực khô bong vẩy rồi nghiêng người soi gương mà reo đẹp quá đẹp quá, có lẽ truyện đã hấp dẫn hơn. 

Không, chỉ đôi lúc ý nghĩ bay khỏi thực tại. Nếu bắt đầu lại, tôi vẫn sẽ nhờ Google, vẫn không đem thân mình ra thử nghiệm. Chúng ta đâu còn sống ở thời Trung cổ, thời làm thơ trên da bò - ngựa thồ đi - người đốt nến giữa hang soi chữ. Văn chương, anh ở trong căn phòng đóng kín cửa, anh vẫn viết về thế giới sinh động như đã từng đến đó. Văn chương, hàng ngàn người viết, tác phẩm hấp dẫn hay chán phèo, văn anh khác văn tôi thế nào phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng có thể nói thứ quan trọng nhất nhì là trí tưởng tượng. Điều Google không có. 

 
 

 Gần đây, Tử xuất hiện. Tử là nhân vật chính trong truyện tôi đang viết. Anh ta có chiếc xe tự lái rất xa xỉ. Chiếc ôtô tự lái hoàn toàn, được hứa hẹn sẽ trình làng trong vài năm tới. Bản thân chưa bao giờ lái xe bán tự động, ngay cả lại gần và sờ vào nó cũng chưa, tôi không có một chút kiến thức nào về cách vận hành loại phương tiện hiện đại này. Trong khi có thể xem “tự lái” là đầu mối cuộc hành trình, là mạch nối các nhân vật, sự kiện với nhau. Thật may, có YouTube. Phóng to màn hình, tôi như đang ngồi trên ghế chiếc Tesla Model X, bật chế độ tự lái theo hành trình thiên lý của Tử, vun vút vun vút qua sông qua suối qua ruộng đồng có đàn trâu khổng lồ đang gặm hoa mơ. 

Cảm ơn YouTube, tôi biết viết thế nào nếu không có bạn? Lại quay về với con trâu tôi đã cưỡi, chiếc xe tôi đã đạp, manh quần tôi đã vá, người tình tôi đã yêu ư? Cũng được, không sao, văn hay dở đâu bởi đề tài, mà do tài của người viết. Nhưng ai cũng vậy, dòng đâu còn chảy, sông sao tới biển. 

Mà thôi. AI, khi nào bạn viết văn như Trần Vũ, bạn chuyển ngữ được Ulysses, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Lúc đó chắc tôi cũng không còn dám viết gì. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận