Nấm mốc chả ngán ớt cay
Aflatoxin lại mở màn scandal. Có đến 36-100% ớt bột bán chợ dính tới aflatoxin, mà là aflatoxin B1 mới cay. Xứ mình “ăn ớt như nhồng” nhưng kỹ nghệ phơi phóng, chế biến, bảo quản lại thô sơ. Aflatoxin cứ gọi “như chỗ không người”, gần như xâm nhập vào mọi quy trình làm ớt.
Ngặt là tới giờ, không ít người vẫn nghĩ ớt đuổi được chuột, được dùng làm vũ khí sinh học, thì nấm mốc, vi khuẩn không có cửa.
Khó đạt ngưỡng hại
Rủi có may, chính sự tự vệ của cơ thể với cay xè, họng rát, mũi dãi lòng thòng, ngăn người ta không nạp quá ngưỡng aflatoxin cũng như các nguy hại khác của ớt. Nói vậy, nhưng với mấy vị “số má” ăn cay không đùa được nạn tích tiểu thành đại.
Bán muối vì ăn cay quá tay
Nhân tiện, capsaicin, thứ sinh cay xè của ớt, là một chất độc thần kinh. Ăn cay quá thể hoàn toàn có thể dính sốc phản vệ, trụy tim, bỏng nặng và vô hiệu đường thở, tử vong.
Màu đỏ thị phi
Bỏ qua nấm mốc, đến cái vạ thứ hai từ màu đỏ của quả ớt. Phơi phóng, quăng quật, khiến ớt nhanh bay màu, và để tìm lại hương sắc không cách nào khác người ta phải cậy vào phẩm màu. Chết nỗi, màu đỏ thực phẩm lại là màu thị phi hơn các màu còn lại. Điểm vài loại màu thực phẩm được phép dùng như amaranth (E123), allura red AC (E129), carmine (E120)...
Dễ đoán, lời lãi không cho phép, khiến ớt bột không có cơ hội làm việc với màu thực phẩm đắt đỏ, thay vào là màu công nghiệp bổ rẻ, mối chợ Kim Biên chẳng hạn.
Cặp bài trùng đỏ
Trong số, nổi bần bật là 2 cái tên rhodamine-B và sudan.
Rhodamine-B là thuốc nhuộm huỳnh quang, trong công nghiệp chúng thường đầu quân cho ngành dệt. Rhodamine-B tiếng là chất độc gan, thận, tiêu hóa, ung thư...
Sudan chuyên ngành plastic, dung môi, sáp, xăng dầu, xi đánh giày, và cộm hơn rhodamine-B về khoản ung thư.
Cà ri, vịt quay, thịt bò khô
Tiện thể, không chỉ ớt bột, rhodamine -B và sudan 4 đang tác nghiệp tốt trong cà ri, hạt dưa, vịt quay, bò khô, trứng/lòng đỏ, ruốc/tép/tôm khô...
Tỏ mặt chính - tà
Đến nước này, hẳn bụng bảo dạ của nhiều người là cách nào phân biệt ớt bột nguyên trinh và nhuộm màu?
Màu sắc là cửa soi đầu tiên. Ớt bột nguyên chất có màu đồng cam nâu hay đỏ đậm, trong khi ớt nhuộm một màu tươi rói.
Ớt nguyên chất mùi hắc nồng, cay đầu lưỡi, ngửi nhạy hắt hơi ì đùng. Nói vậy trừ một số loại ớt cay nhẹ thậm chí hơi ngọt.
Hạt ớt cũng có thể giúp làm cho ra nhẽ. Tinh mắt có thể nhìn ra hạt ớt tự nhiên, dù xay nhuyễn. Ớt nhuộm thường vô tình nhuộm đỏ luôn hạt ớt.
Ly nước sẽ là câu trả lời chốt hạ trắng đen. Ớt thật không tan được, trong khi ớt hóa chất thì tan tốt và còn nhuộm đỏ luôn ly nước.
Ớt bột Hàn Quốc
Nói thêm về ớt bột Hàn Quốc. Theo chân các “oppa” mỳ cay, kim chi, tokbokki, ớt bột Hàn tự nhiên đắc thời. Hai loại ớt Hàn thông dụng là ớt bột vẩy (kim chi, thịt nướng) và ớt bột mịn (mỳ cay, súp). Ớt gốc Hàn được tiếng cay nhẹ pha vị ngọt.Tiếng là hàng ngoại nhưng ớt bột Hàn cũng chung nghiệp hàng giả, hàng nhái, và hàng nhuộm, như giàn ớt hiểm, ớt trâu nội địa...
Bảo quản ớt bột
Là tín đồ ăn ớt, quyết định tích cốc một lọ ớt bột, cẩn tắc trong bảo quản không thừa. Ớt bột bảo quản tốt vẫn ngon lành trong vòng 1 năm hơn. Tốt nhất với lọ thủy tinh nắp kín, đặt nơi khô ráo, thoáng gió, tránh ánh sáng trực tiếp. Lượng lớn thì có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh, với túi nhựa kín 2 lớp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận