Ngày 11-7, các nhà lãnh đạo NATO tổ chức hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi khép lại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Washington (Mỹ). Liên minh quân sự gồm 32 nước đã dùng hội nghị lần này để bày tỏ quyết tâm trong việc chống lại Nga và ủng hộ Ukraine.
Không thể đảo ngược
Hội nghị diễn ra trong lúc chính trường Mỹ có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tổng thống Joe Biden đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các thành viên Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Các thượng nghị sĩ Michael Bennet và Peter Welch là những tiếng nói công khai mới nhất từ đảng Dân chủ phản đối nỗ lực tái tranh cử của vị tổng thống 81 tuổi.
Trước khi hội nghị khép lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc gặp với các đối tác NATO sau khi nhận được những hứa hẹn mới về hỗ trợ vũ khí để tăng cường khả năng phòng thủ trên bầu trời Ukraine.
Ông Zelensky đã kêu gọi các nước ủng hộ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, tiến xa hơn nữa, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho phép Kiev tấn công với phạm vi lớn hơn vào bên trong lãnh thổ Nga. "Hãy tưởng tượng chúng tôi có thể đạt được bao nhiêu thành tựu khi mọi hạn chế được dỡ bỏ", ông Zelensky phát biểu.
Trước đó, hôm 10-7 các lãnh đạo NATO một lần nữa đã không đề cập đến việc đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai gần. Tuy nhiên, họ cũng tái khẳng định cam kết một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành thành viên "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".
Ông Zelensky từng gây ra "cơn bão ngoại giao" tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania năm ngoái khi chỉ trích sự do dự của NATO về việc kết nạp Ukraine. Lần này, để xoa dịu mọi sự thất vọng, các lãnh đạo NATO gọi con đường gia nhập liên minh của Ukraine là "không thể đảo ngược". Họ cũng cam kết hỗ trợ quân sự tối thiểu 40 tỉ euro (43 tỉ USD) cho Ukraine trong năm tới.
Trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), nhà nghiên cứu Christopher Harper đánh giá cụm từ "không thể đảo ngược" được sử dụng trong tuyên bố của các lãnh đạo NATO là "mạnh mẽ và quan trọng".
Cứng rắn với Trung Quốc
Bên cạnh việc Ukraine là tâm điểm chú ý, hội nghị NATO cũng đã nhìn sang châu Á. Trước cuộc gặp ông Zelensky, liên minh quân sự này chuyển sự chú ý sang những thách thức từ Trung Quốc tại cuộc gặp với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Các lãnh đạo NATO đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Trung Quốc và Nga. Tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Washington đã gọi Trung Quốc là "bên tạo điều kiện mang tính quyết định" cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, thông qua quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa Nga - Trung Quốc và sự hỗ trợ quy mô lớn cho công nghiệp quốc phòng của Nga, trong đó có việc cung cấp các hàng hóa lưỡng dụng.
Đây được coi là sự chỉ trích nghiêm trọng nhất của NATO với Bắc Kinh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. NATO cho rằng việc Trung Quốc "tạo điều kiện cho cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu trong lịch sử gần đây" sẽ "ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và danh tiếng của mình".
"Tôi nghĩ rằng thông điệp được gửi từ NATO, từ hội nghị thượng đỉnh này rất mạnh mẽ và rất rõ ràng. Chúng tôi đang xác định rõ ràng trách nhiệm của Trung Quốc khi nói đến việc tạo điều kiện cho cuộc chiến của Nga" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, đồng thời gọi tuyên bố mà hội nghị đưa ra hôm 10-7 là thông điệp quan trọng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc từ NATO và nói rằng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang tìm cớ để mở rộng ảnh hưởng về phía đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói trước báo giới: "Về cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO đã thổi phồng trách nhiệm của Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa và đi kèm với ý đồ xấu. Chúng tôi kêu gọi NATO xem lại nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và những gì họ đã làm, đồng thời hành động cụ thể để giảm leo thang thay vì đổ lỗi".
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington là hội nghị thứ ba có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ bốn đối tác châu Á - Thái Bình Dương nói trên. Nhưng sự hiện diện của họ được đánh giá chủ yếu nhằm thể hiện mối quan tâm lớn hơn của NATO đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc, Nga chỉ trích NATO
Trong tuyên bố chung hôm 10-7, NATO còn cho rằng những tham vọng và chính sách chèn ép của Trung Quốc tiếp tục thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị của liên minh này. Tuy nhiên, phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu mô tả bản tuyên bố của NATO "đầy rẫy tâm lý Chiến tranh lạnh và lời lẽ hiếu chiến".
Trong diễn biến liên quan, ngày 11-7 các hãng tin Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Nga đang lên kế hoạch thực hiện "các biện pháp phản ứng" để kiềm chế "mối đe dọa rất nghiêm trọng" từ NATO. Ông Peskov còn cho rằng liên minh quân sự NATO hiện đã "can dự hoàn toàn" vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận