
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (giữa) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại Hội nghị An ninh Munich, Đức - Ảnh: AFP
Hàng loạt cú sốc xảy ra trong mối quan hệ chiến lược hàng thập kỷ qua giữa Mỹ và châu Âu.
"Tàu lượn siêu tốc"
Tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, Phó tổng thống Mỹ JD Vance có bài phát biểu chỉ trích các chương trình nghị sự tự do và chính sách nhập cư cởi mở của châu Âu không hiệu quả, và "lên lớp" các nền dân chủ lâu đời.
Chỉ lác đác vài tiếng vỗ tay sau bài phát biểu cho thấy rõ sự khác biệt trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và phần lớn châu Âu.
Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố với NATO rằng dù quân đội Mỹ hiện đang ở châu Âu nhưng 5 hoặc 10 hoặc 15 năm thì chưa chắc.
Trong tuần qua, bất chấp những lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về việc đưa châu Âu vào bàn đàm phán với Nga, Nhà Trắng dường như đã phớt lờ.
Ngày 15-2, ông Keith Kellog, đặc phái viên Mỹ về Nga và Ukraine, xác nhận rằng châu Âu sẽ không có ghế trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Giới quan sát nhận định, EU lẽ ra nên lường trước tình huống này, nhất là khi chính quyền ông Trump đã nhanh chóng bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách Ukraine, trong khi EU vẫn chưa có động thái tương tự.
Và giờ đây, châu Âu đang cố gắng bắt kịp cuộc chơi để được tham gia vào các cuộc đàm phán.
Các nhà lãnh đạo của những quốc gia lớn nhất châu Âu sẽ họp tại Paris vào ngày 17-2, theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau chuyến "tàu lượn siêu tốc" ngoại giao này, châu Âu dần nhận ra thực tế rằng nước Mỹ dưới chính quyền mới không còn đặt các đồng minh bên kia Đại Tây Dương lên ưu tiên hàng đầu, và có thể không còn sẵn sàng giải cứu châu Âu như trước.
"Sau bài phát biểu của Phó tổng thống Vance vào thứ sáu (14-2), chúng ta phải lo ngại rằng nền tảng giá trị chung giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể không còn chung nữa", ông Christoph Heusgen, chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, chua chát nhận xét.
Thủ lĩnh mới
Châu Âu không mất quá nhiều thời gian để hiểu rõ thông điệp từ ông Trump: họ cần tự lo cho an ninh quốc phòng với ít sự hỗ trợ hơn từ Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ đảm bảo an ninh cho khu vực nếu quân đội Mỹ thu hẹp hiện diện hoặc rút lui hoàn toàn?
Đức có nền kinh tế lớn nhất lục địa, nhưng tương lai các kế hoạch phòng thủ mới của Berlin sẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử tháng này.
Anh đã tiếp quản Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, ít nhất là cho đến hiện tại. Ba Lan hiện có quân đội lớn thứ ba của liên minh, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ý đang dẫn đầu Lực lượng phản ứng đồng minh của NATO.
"Các quốc gia hiện đang chịu áp lực phải hành động. Không phải là người Đức sẽ hành động, mà là chúng ta sẽ cùng nhau làm điều đó như thế nào?", cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder nhận định.
Giới quan chức an ninh cho rằng các thành viên NATO lâu năm là Anh, Đan Mạch và Hà Lan sẽ cùng bắt tay đóng vai trò lớn hơn.
Thời gian qua, NATO đã bắt đầu điều chỉnh các kế hoạch phòng thủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào lực lượng quân sự của Mỹ, đồng thời chuyển giao nhiều trách nhiệm hơn cho châu Âu.
Dự kiến, quân đội châu Âu có thể triển khai một lực lượng từ 20.000 - 45.000 binh sĩ, tương đương với Quân đoàn 5 của Mỹ đóng tại Ba Lan.
Tuy nhiên châu Âu rõ ràng không có đủ lực lượng để lấp đầy khoảng trống nếu chính quyền ông Trump quyết định rút quân quy mô lớn khỏi lục địa này.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn hơn là việc nâng cấp và tăng cường các hệ thống vũ khí tiên tiến, như tên lửa tầm xa và hệ thống phòng không, vốn đòi hỏi đầu tư đáng kể cả về công nghệ lẫn tài chính.
NATO cũng có thể thành lập một ủy ban nhằm củng cố khả năng phòng thủ chung. "Không phải tất cả các nước sẽ tham gia. Có lẽ Hungary sẽ không góp mặt, nhưng một số quốc gia lớn như Pháp, Đức, Anh, cùng với Hà Lan và Bỉ sẽ tham gia", thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Chris Van Hollen đề xuất.
Các quan chức châu Âu cũng đồng tình rằng NATO cần xem xét kỹ lưỡng chiến lược phòng thủ và tăng cường ngân sách để mua sắm vũ khí mới, đảm bảo lực lượng quân đội luôn trong trạng thái sẵn sàng. "Chúng ta phải thành lập một liên minh của những quốc gia sẵn sàng trong NATO", một quan chức châu Âu chia sẻ với Politico.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận