Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu 75 năm thành lập NATO diễn ra từ 9 tới 11-7 ở Washington, Mỹ khi liên minh quân sự này đứng trước bước ngoặt rất lớn: hướng đi mới trong một bối cảnh địa chính trị phức tạp nhất nhiều thập niên gần đây.
Mặt trận mới
"Ngày nay, NATO đang trong trạng thái mạnh mẽ nhất lịch sử" - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 9-7, diễn tả thông điệp quan trọng nhất của Washington về việc trấn an đồng minh, kêu gọi đoàn kết và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ.
Năm nay, NATO chào đón sự có mặt của Thụy Điển và Phần Lan - một diễn biến tiếp theo trong quá trình mở rộng của khối. Tổng thống Biden đặc biệt nhấn mạnh điều 5 của NATO về phòng thủ chung, trong đó việc một thành viên bị tấn công đồng nghĩa toàn NATO bị tấn công và sẽ có hành động chung đáp trả.
Thông điệp này được nhắc lại giữa lúc cuộc họp NATO bị xung đột Nga - Ukraine phủ bóng. Ông Biden đã dùng Tổng thống Nga Vladimir Putin để kêu gọi đoàn kết, nhắc nhở các nước (đặc biệt ở châu Âu) về việc ông Putin "sẽ không dừng lại ở Ukraine", và rằng việc tăng cường năng lực quân sự là yêu cầu cấp thiết trước các hiểm họa trong tương lai.
Trên thực tế, NATO đang đối diện bối cảnh địa chính trị phức tạp hơn nhiều. Hiện nay, nhiều nước nhìn nhận an ninh thế giới không khác gì Chiến tranh lạnh, giữa một khối gồm NATO và các nước phương Tây, và một "khối" gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Việc Nga thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Triều Tiên và Trung Quốc càng là động lực để NATO có những bước tính toán mới, rộng hơn, bao phủ nhiều vấn đề hơn.
Chính vì vậy, ngoài câu chuyện thực tiễn trước mắt về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, NATO cũng tìm cách thúc đẩy quan hệ với bốn đối tác thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những nước chia sẻ với NATO các mối lo ngại về an ninh - kinh tế liên quan tới Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Một NATO không... Mỹ
Việc NATO xích lại gần các đối tác châu Á không phải là diễn biến mới. Tuy nhiên khi đặt vào bối cảnh hiện nay, đây là nhu cầu ngày càng cấp thiết với những bất định về tình hình kinh tế và chính trị, đặc biệt khi nhắc tới Mỹ.
Sự hiện diện của ông Biden là chi tiết khắc họa rõ nét và đầy đủ nhất về việc NATO phải chọn cách tiếp cận mới. Dù có ông Biden hay không, NATO vẫn phải chuyển mình, nhưng vắng ông thì sự chuyển mình này trở nên gấp rút hơn.
Chiến dịch tranh cử đầy trục trặc của ông Biden vô tình tạo ra một thách thức không lường trước cho NATO. Liên minh quân sự này cần duy trì động lực trong việc ủng hộ Ukraine và đóng vai một bức tường thành chống chịu mọi đe dọa trong tương lai. Nỗ lực này trở nên khó khăn hơn cho NATO khi niềm tin đặt vào đầu tàu của họ trở nên mong manh.
Theo lối suy nghĩ đang thịnh hành hiện nay, NATO mong nước Mỹ sẽ cam kết và "dễ đoán" như chính quyền ông Biden, và ngược lại rất khó đoán và nhiều áp lực nếu cựu tổng thống Donald Trump đắc cử.
Trong mắt nhiều người, ông Trump sẽ là vị tổng thống mang quan điểm cứng rắn hơn với NATO, yêu cầu các thành viên NATO phải san sẻ trách nhiệm nhiều hơn để được bảo vệ, cụ thể là đóng góp tài chính ở mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trên thực tế, yêu cầu 2% GDP đã có từ thời các cựu tổng thống như George W. Bush và Barack Obama. Bản thân ông Obama cũng từng thất vọng khi nhiều nước NATO không thực hiện cam kết 2% này như đã hứa vào năm 2014 - thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Số liệu mới nhất cho thấy chỉ 13 trên 31 thành viên NATO đáp ứng ngưỡng này.
Nói vậy để thấy các thách thức mới hiện nay buộc NATO phải chủ động đóng góp cho quỹ an ninh chung hoặc đúng ra phải tiếp tục tìm cách "tự lực cánh sinh". Một NATO, một Liên minh châu Âu (EU) độc lập hơn về an ninh là mong muốn của nhiều lãnh đạo phương Tây trong các năm qua.
Đã xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến cảnh báo về sự lệ thuộc quá lớn vào Mỹ, thậm chí băn khoăn về chuyện liệu các công ty sản xuất vũ khí ở Mỹ kiếm được bao nhiêu từ châu Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, việc NATO đàm phán kế hoạch tăng cường sản xuất cũng là chuyện một công đôi việc.
Giữ Mỹ ở gần vẫn là điều rất quan trọng với NATO, nhưng đa dạng hóa lựa chọn hợp tác ngoài Mỹ cũng là chuyện tốt. Đó cũng là cơ hội cho các đối tác của NATO, ví như việc Công ty Hanwha Aerospace của Hàn Quốc vừa trúng thầu 1 tỉ USD từ Romania để cung cấp pháo tự hành...
Ông Trump "hiện diện"
Cuộc họp của NATO được xem là dịp tốt để Tổng thống Mỹ Biden trấn an đồng minh rằng mình có thể tái đắc cử và có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ sắp tới. Đây là nhiệm vụ quan trọng của ông Biden sau cuộc tranh luận ứng viên tổng thống bị đánh giá thất bại trước ông Trump, dẫn tới việc dư luận xôn xao chuyện ông Biden bị Đảng Dân chủ tìm người thay thế.
Đến nay, có thể thấy giới quan sát đang đánh giá khả năng ông Trump đắc cử cao hơn, và các nước đã rục rịch chuẩn bị cho những thay đổi chính sách nhằm phù hợp với một Nhà Trắng do ông Trump nắm quyền.
Hôm 10-7, Reuters cho biết thậm chí một vài quan chức cấp cao của EU dự thượng đỉnh NATO đã gặp gỡ ông Keith Kellogg - người đang là cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận