Trực thăng Black Hawk của Mỹ trong cuộc tập trận Swift Response ở Bắc Macedonia - Ảnh: BBC
Cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Hedgehog 2022 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu tại Estonia vào ngày 16-5.
Theo Đài BBC, cuộc tập trận đã được lên lịch từ trước khi chiến sự Ukraine nổ ra và dự kiến kéo dài đến ngày 3-6.
NATO cho biết mục đích của các cuộc tập trận là để "nâng cao khả năng sẵn sàng và khả năng tương tác" của các lực lượng trong liên minh.
Có khoảng 15.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận ở Estonia. Đây là một trong những cuộc tập trận lớn nhất được tổ chức tại nước này kể từ năm 1991.
Cuộc tập trận diễn ra cách căn cứ quân sự gần nhất của Nga khoảng 64km, mô phỏng cuộc tấn công từ Nga vào Estonia. Thiếu tướng Veiko-Vello Palm - phó tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia - phủ nhận cuộc tập trận có liên quan đến chiến sự ở Ukraine.
Theo một tuyên bố của NATO, tàu đổ bộ lớp Wasp Kearsarge của hải quân Mỹ cũng sẽ tham gia tập trận.
Theo Đài Russia Today của Nga, cuộc tập trận ở Estonia chỉ là một phần trong các hoạt động quân sự quy mô lớn của NATO gần biên giới Nga.
Một quốc gia Baltic khác là Lithuania (Litva) đang tổ chức cuộc tập trận Iron Wolf, với sự tham gia của 3.000 quân NATO và 1.000 thiết bị quân sự, bao gồm cả xe tăng Leopard 2 của Đức.
Hai trong số các cuộc tập trận lớn nhất của NATO - Defender Europe và Swift Response - đang diễn ra ở Ba Lan và 8 quốc gia khác, với sự tham gia của 18.000 quân từ 20 quốc gia, theo tuyên bố của NATO ngày 13-5.
"Các cuộc tập trận như thế này cho thấy NATO đứng vững và sẵn sàng bảo vệ các nước đồng minh chống lại bất kỳ mối đe dọa nào", phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu cho biết.
Vào tháng 6 tới, các nước Baltic và Ba Lan sẽ tổ chức diễn tập. NATO mô tả đây là "cuộc tập trận phòng thủ tên lửa và phòng không lớn nhất châu Âu", với sự tham gia của 23 quốc gia.
Nga coi NATO là một mối đe dọa an ninh và đã cảnh báo về "hậu quả" đối với việc kết nạp các thành viên mới trong tương lai. Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan đã xác nhận ý định gia nhập NATO và sẽ nộp hồ sơ vào ngày 18-5.
Thụy Điển giữ thái độ trung lập trong Thế chiến thứ hai và tránh tham gia các liên minh quân sự trong hơn hai thế kỷ qua.
Phần Lan có đường biên giới dài 1.300km với Nga. Cho đến tuần trước, nước này vẫn đứng ngoài NATO để tránh đối đầu với nước láng giềng ở phía đông.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gợi ý rằng có thể xét duyệt nhanh chóng cho Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời thiết lập các thỏa thuận an ninh tạm thời để đối phó với bất kỳ hành động trả đũa nào của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi sát sao các động thái từ NATO, đồng thời ông tin rằng việc liên minh quân sự này mở rộng sẽ không củng cố an ninh của châu Âu.
"Đây là một vấn đề nghiêm trọng, một vấn đề khiến chúng tôi quan tâm và chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ", ông Peskov nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận