Đó là nhận định của CNN trong một bài phân tích đăng hôm 30-6, giải thích lý do vì sao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu đang lo lắng về Tổng thống Mỹ Biden.
NATO lo ngại về ông Biden
Tương lai chính trị của ông Biden đang là tâm điểm trong chính trường Mỹ và phương Tây. Người đứng đầu Nhà Trắng vừa có một màn thể hiện bị đánh giá rất thấp trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của kỳ bầu cử này.
Trước đối thủ cũ Donald Trump, ông Biden đã để lộ điểm yếu về tuổi tác, và điều này khiến dư luận hoài nghi khả năng điều hành của ông nếu đắc cử ở tuổi 81.
Dư luận dòng chính có xu hướng tin rằng NATO, cũng như các nước châu Âu, sẽ chuộng một nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của ông Biden thay vì ông Trump. Lý thuyết của việc này nằm ở sự ổn định.
Ông Biden được mô tả là người có chính sách ổn định, có thể dự đoán, và việc này sẽ giúp các quyết sách của Mỹ và đồng minh đạt sự nhất quán cần thiết.
Chính vì vậy, việc ông Biden có màn thể hiện không tốt trong cuộc tranh luận khiến NATO lo về khả năng ông không thể tái đắc cử. Nhưng điều đáng bàn hơn nằm ở khả năng ông rút lui, khi truyền thông Mỹ đang công khai viết những bài bình luận kêu gọi tổng thống Mỹ dừng bước.
Trong bức tranh lớn về ý thức hệ chính trị, chuyện Đảng Dân chủ loại bỏ một ứng viên đề cử không lâu trước ngày bỏ phiếu là một "thất bại".
Các nhà quan sát chính trị phương Tây lo rằng động thái này khiến hệ thống của họ trông mong manh, yếu đuối, và sẽ bị các đối trọng như Trung Quốc và Nga khai thác triệt để trong câu chuyện đại loại như "đâu là hệ thống chính trị ưu việt của thế giới".
Về mặt thực tế, đối ngoại ở cấp độ này thường được xem là trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), nơi bên này được thì bên kia ắt phải mất. Điều này có nghĩa một sự "xấu hổ" nào đó của phương Tây sẽ là chiến thắng cho địch thủ của họ.
Vì vậy, nếu ông Biden rút lui, chính sách nhất quán mà phương Tây và NATO mong chờ sẽ chịu ảnh hưởng.
Ông Trump không phải vấn đề lớn với NATO
Toàn bộ lập luận trên không hẳn phản ánh toàn bộ mối lo ngại của NATO đối với chính trường Mỹ hiện tại. Nhiều người dễ nghĩ rằng với nhu cầu về sự ổn định, NATO sẽ tiếc nuối trong trường hợp ông Biden rời cuộc đua vào Nhà Trắng, song điều này cần được cân nhắc ở một khía cạnh khác.
Thật kỳ quặc, nhưng tới đây, CNN đặt ra một câu hỏi khác cho thấy có thể NATO còn e ngại hơn nếu ông Biden... trúng cử.
"Các nguy cơ này sẽ khiến việc loại bỏ một ứng viên trở thành điều tồi tệ, nhưng hãy tưởng tượng nếu các thảo luận trên diễn ra khi Biden đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Suy đoán liên tục về khả năng quản lý trong và ngoài nước của ông ấy có thể vô căn cứ xét ở cấp độ chính sách, nhưng không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ tạo ra sự chia rẽ, mất lòng tin, và hoảng loạn trong suốt nhiệm kỳ hai của ông", CNN viết.
Theo lập luận này, sự ổn định được nhắc tới không đơn thuần là ổn định hoặc nhất quán về mặt chính trị, mà là ổn định ở tư thế của ông Biden.
Một khi tổng thống Mỹ tiếp tục khiến dư luận râm ran về khả năng điều hành, sẽ có những hoài nghi về việc ai sẽ đảm bảo tiếp tục viện trợ cho Ukraine, rồi liệu ông có sẵn sàng và đủ vốn liếng chính trị để thực hiện những hành động tranh cãi ở Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không.
Nếu tư thế của ông Biden không đủ vững trong nước, mọi quyết sách dù nhất quán với NATO hay phương Tây tới đâu cũng sẽ gặp trở ngại.
Đó là lý do, theo CNN, khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng dù đáng lo nhưng không phải cú sốc khó lường.
Châu Âu được cho là chưa bao giờ thực sự rời bỏ thời "Trump 1.0" từ 2016 tới 2020. Tức là, những chính sách phải điều chỉnh giai đoạn ấy nhắc nhở lục địa già về một luồng quan điểm chính trị ở Mỹ, những điều họ phải đối mặt trong bức tranh chính trị ngày nay. Điều này đồng nghĩa họ không hẳn xem ông Trump là một nhân vật khó lường trên tư cách cá nhân.
Thay vào đó, châu Âu đã giữ quan điểm về nước Mỹ kể từ năm 2020: cái gì đã xảy ra sẽ có thể xảy ra lần nữa. "Đây là trọng tâm trong tư duy chiến lược của châu Âu kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2016, và được tiếp tục qua nhiệm kỳ tổng thống của Biden", CNN viết.
Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận