Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Kabul (Afghanistan) năm 2020 - Ảnh: REUTERS
Chủ trì cuộc họp với các đặc sứ của NATO ngày 17-8, ông Stoltenberg cho rằng "lãnh đạo chính trị của Afghanistan đã thất bại trong việc chống trả", và rằng "thất bại này của lãnh đạo Afghanistan dẫn tới thảm họa mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay".
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã đẩy nhanh các cuộc tấn công và chiếm quyền kiểm soát trên khắp đất nước, kể cả thủ đô Kabul và hiện đàm phán chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani được biết đã rời khỏi đất nước.
Đến nay, phía Taliban không gặp sự kháng cự quyết liệt nào, đặc biệt ở Kabul.
Trong khi đó, NATO là tổ chức dẫn đầu các nỗ lực quốc tế ở Afghanistan kể từ năm 2003, nhưng đã ngưng các hoạt động tác chiến vào năm 2014, nhằm tập trung vào việc huấn luyện, đào tạo lực lượng an ninh quốc gia cho Afghanistan.
Đó là lý do Mỹ và NATO đã đổ lỗi cho sự sụp đổ về mặt quân sự của chính quyền Afghanistan.
Trong phát biểu ngày 17-8, ông Stoltenberg cũng nói bản thân NATO phải rút kinh nghiệm từ sự kiện này, đồng thời phải tìm ra lỗ hổng trong các nỗ lực đào tạo quân sự của họ.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, tổng thư ký NATO cũng cho biết sẽ tiếp tục cảnh giác với khả năng các nhóm khủng bố tập hợp tại Afghanistan, và có thể sẽ tấn công từ xa nếu các tổ chức khủng bố này tái lập.
"Những người đang nắm quyền có trách nhiệm phải đảm bảo rằng khủng bố quốc tế không tái xác lập chỗ đứng nơi đây", ông nói.
Theo ông Stoltenberg, mục tiêu của NATO là giúp xây dựng một nhà nước, chứ không phải hiện diện ở Afghanistan mãi mãi. NATO theo đó sẽ yêu cầu nhà cầm quyền mới ở Afghanistan chịu trách nhiệm nếu có vi phạm nhân quyền, bao gồm quyền phụ nữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận