Cuộc gặp của các lãnh đạo NATO diễn ra trong bối cảnh Ukraine khởi động chiến dịch phản công quy mô lớn, còn ở Nga vừa xuất hiện cuộc nổi loạn của ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner: Yevgeny Prigozhin.
Tâm lý chiến
Đây là dịp để NATO đánh giá tình hình Ukraine, đưa ra các quyết định quan trọng về việc viện trợ và ủng hộ Kiev. Điều này chịu ảnh hưởng lớn từ một số diễn biến mới liên quan tới Wagner và Belarus - đồng minh thân cận của Nga.
Tất cả đã biến một tuần trước kỳ họp NATO thành một giai đoạn căng thẳng khi các bên rốt ráo triển khai chiến tranh tâm lý.
Lần họp giữa năm là thời điểm các nước NATO, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý... đánh giá hiệu quả và tiến độ phản công của Ukraine. Kiev phải chịu áp lực thể hiện khả năng giành lợi thế trong các giao tranh với Nga.
Dù nhiều lần tuyên bố sẽ ủng hộ Ukraine "cho đến khi nào còn cần thiết", các nước phương Tây vẫn cần biết xung đột sẽ kết thúc ra sao bởi họ cũng phải tìm sự cân bằng giữa các khoản viện trợ cho Kiev và khó khăn kinh tế trong nước.
Nói cách khác, sinh mệnh chính trị của các đảng cầm quyền tại phương Tây chịu không ít tác động từ tình hình Ukraine.
Một trong những thời cơ để Ukraine và các đồng minh tìm động lực mới nhằm duy trì ủng hộ là tình hình Wagner - Nga.
Việc xoáy vào bất ổn của nước Nga và các nhận xét tiêu cực về Tổng thống Vladimir Putin sau cuộc nổi loạn nói trên vừa có thể khuyến khích các nước tiếp tục đẩy mạnh viện trợ cho Ukraine, vừa là đòn tâm lý đánh vào các lực lượng Nga.
Trong khi đó, sau khi xử lý nhanh vụ Wagner, Matxcơva cũng cố gắng nhấn mạnh vị thế "không hề lay chuyển" của ông Putin, đồng thời tìm cách chứng minh sự kiện Prigozhin không ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu của Nga.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin và đồng minh cũng tăng cường cảnh giác trước việc Ukraine có thể cố gắng có được một thành quả thực tiễn để thuyết phục NATO.
Phát biểu hôm 6-7, Tổng thống Belarus Lukashenko khẳng định Ukraine đang lên kế hoạch làm những điều "nghiêm trọng" trước cuộc họp của NATO. Vừa qua, Belarus đã làm trung gian xử lý vụ nổi loạn của Wagner.
Có nhiều thông tin từ phương Tây cho rằng Minsk đang dựng trại cho lính Wagner tái hợp, từ đó có thể là mối đe dọa tiếp theo với Ukraine và NATO.
Giải bài toán lớn của Ukraine
Ngoài cảnh báo về hành động của Ukraine, ông Lukashenko cũng xác nhận trùm Wagner Prigozhin đang ở Nga. Tổng thống Belarus khẳng định ông Putin sẽ không giết ông Prigozhin.
"Nếu các anh nghĩ ông Putin tàn độc và thù hận, và rằng Prigozhin sẽ bị giết vào ngày mai... thì không đâu. Điều này sẽ không xảy ra", Đài Sky News dẫn lời ông Lukashenko ngày 6-7.
Trước đó theo báo Fontanka (Nga), ông Prigozhin đã trở về Nga hồi đầu tuần này để nhận lại một số vũ khí bị tịch thu trong cuộc khám xét âm mưu đảo chính, và sẽ "sớm rời đi".
Cách ứng xử "nhẹ nhàng" của Nga với ông Prigozhin, cộng thêm sự hiện diện của Belarus, càng khiến nhiều người lo ngại về khả năng phải ứng phó mối hiểm họa mới ở phía bắc Ukraine, dù tới nay thông tin về việc Wagner tái hợp ở Belarus vẫn chưa rõ ràng.
Đây cũng sẽ là một trong những điểm thảo luận chính trong chương trình nghị sự của NATO tại Lithuania tới đây.
Một yếu tố khác gây bất lợi cho Ukraine là thực tế cuộc phản công của họ đang chậm hơn dự kiến, như thừa nhận của cả quan chức Ukraine lẫn các nước ủng hộ. Điều này lại có ảnh hưởng rất lớn tới điểm then chốt nhất trong lần họp này của NATO: tư cách thành viên của Ukraine.
Cho đến nay, các quan chức NATO đã nói rõ sẽ không thể đưa Ukraine vào NATO trừ phi chiến sự chấm dứt vì họ không muốn đẩy NATO vào cuộc chiến trực tiếp với Nga.
Thay vào đó, vấn đề trọng tâm là tìm cách đảm bảo an ninh cho Ukraine trong lúc vừa chưa thể gia nhập NATO, vừa phải đối mặt các đe dọa. Tức là NATO sẽ tìm cách bảo vệ Ukraine mà không cần phải kích hoạt điều 5 về phòng thủ chung.
NATO đang lâm vào thế khó trong trường hợp này, cụ thể là khái niệm "bảo đảm an ninh" còn mơ hồ. Họ không muốn tái diễn kịch bản Budapest 1994, thời điểm Ukraine chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân để được đảm bảo an ninh.
Những gì diễn ra cho đến nay không cho thấy sự đảm bảo tương xứng. Đó cũng là lý do Tổng thống Ukraine tiếp tục muốn nhận vũ khí hiện đại hơn từ NATO và cho rằng đây là lý do khiến chiến dịch phản công của Ukraine bị chậm lại.
Ukraine phản công không như kỳ vọng
Từ đầu tháng 6, Ukraine đã khởi động chiến dịch phản công được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng sau một số thành quả nhỏ ban đầu, tiến độ phản công đã chậm lại. Trả lời phỏng vấn Đài CNN ngày 5-7, ông Zelensky nói đã hối thúc các nước phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine sớm hơn, và đáng ra nếu được chấp thuận, cuộc phản công đã diễn ra sớm hơn và không bị chậm tiến độ như hiện nay.
Gần đây, tướng cấp cao Mỹ Mark Milley cũng nhận xét chiến dịch phản công của Ukraine chậm hơn dự kiến, dù cho rằng đây là lẽ thường trong các giao tranh. Đáng chú ý hôm 5-7, Hãng tin TASS (Nga) dẫn lời tướng về hưu của Pháp, ông Jean-Bernard Pinatel, nhận xét Ukraine sẽ phản công thất bại vì không đủ nhân lực và thiết bị quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận