Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington vào ngày 10-7, các nước thành viên liên mình này đã đưa ra cái gọi là "gói hỗ trợ đáng kể" (như lời của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg) cho Ukraine.
Nhưng chính xác thì NATO đã cam kết gì với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington? Hãng tin AFP đã liệt kê ra các cam kết này.
Thứ nhất, NATO sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn từ Mỹ trong việc điều phối đào tạo và cung cấp vũ khí cho Ukraine, bằng cách thiết lập một bộ chỉ huy tập trung.
Động thái này nhằm bảo vệ nguồn cung vũ khí cho Kiev, trước khả năng ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Sự thay đổi này đồng nghĩa sẽ có hàng trăm quân nhân từ các nước thành viên NATO đến đồn trú tại một căn cứ ở Đức và các trung tâm quan trọng dọc theo sườn phía đông của liên minh quân sự NATO.
Thứ hai, các nước thành viên NATO đã cam kết duy trì hỗ trợ cho Ukraine thêm một năm nữa với mức hỗ trợ mà họ đã thực hiện kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra: Tối thiểu là 40 tỉ euro (43 tỉ USD).
Theo tuyên bố từ hội nghị, "thông qua các khoản đóng góp theo tỉ lệ, các nước đồng minh dự định cung cấp khoản tài trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỉ euro trong năm tới và cung cấp mức hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine có thể thắng thế".
Thứ ba là cam kết về "con đường không thể đảo ngược" để trở thành thành viên NATO.
NATO đã không trao cho Ukraine thứ mà nước này thực sự muốn: lời mời rõ ràng để gia nhập liên minh trong tương lai gần. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành thành viên "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".
Để khích lệ Ukraine, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nói rằng con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược".
Thứ tư là cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Romania đã ra tuyên bố chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm 9-7, thông báo sẽ chuyển thêm hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không chiến lược khác cho Kiev.
Thứ năm là chuyển các tiêm kích tới Ukraine. Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch thông báo việc chuyển giao tiêm kích chiến đấu F-16 cho Ukraine - vốn đã hứa hẹn từ lâu - "hiện đang diễn ra" và chúng sẽ hoạt động trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận