Các nhà lãnh đạo NATO lắng nghe Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson tại thượng đỉnh NATO diễn ra ở Watford, Anh hôm 4-12 - Ảnh: GETTY IMAGES
Sau những ngày hội nghị, liệu những hoài nghi về tương lai NATO giai đoạn "hậu 70" có còn đó?
Bóng mây đen bất đồng
Các nhà lãnh đạo NATO bước vào hội nghị cấp cao lần này với tâm thế tránh để hội nghị đổ vỡ bởi những mâu thuẫn và bất đồng nội bộ, nhất là lại trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập. Lường trước những nguy cơ này, các nước NATO đã quyết định lựa chọn London để tổ chức hội nghị cấp cao thay vì Washington, nơi hiệp ước được ký kết 70 năm trước đây.
Vì vậy, cũng không phải ngẫu nhiên mà thông điệp "đoàn kết" được các lãnh đạo NATO, nhất là Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson và Tổng thư ký NATO Stoltenberg, nhấn đi nhấn lại cả trước và sau hội nghị. Hơn lúc nào hết trong lịch sử 70 năm của NATO, không phải một mối đe dọa bên ngoài, mà mâu thuẫn bên trong lại được coi là thách thức lớn nhất với NATO.
Ông Johnson trong phát biểu đã nhấn mạnh rằng NATO là "tấm lá chắn khổng lồ của sự đoàn kết" và "nếu chúng ta đoàn kết, không ai hi vọng có thể đánh bại được chúng ta". Còn ông Stoltenberg khẳng định NATO là "liên minh thành công nhất trong lịch sử" và liên minh này đủ "nhanh nhạy, mạnh mẽ và thích ứng" để đối phó với những thách thức từ cả trong lẫn ngoài.
Nhưng ngay trước khi bước vào hội nghị, những nỗ lực này bị che mờ bởi những màn đấu khẩu giữa các lãnh đạo NATO. Mỹ chỉ trích các thành viên khác đóng góp ngân sách quá ít, Pháp nói liên minh này đang "chết não", các thành viên châu Âu đả kích Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự ở Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa lại sẽ ngăn cản kế hoạch an ninh phía đông của NATO.
Khi tổng thống Pháp tiếp tục chỉ trích NATO là "chết não", bày tỏ nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phản ứng, phê phán phát biểu của tổng thống Pháp là rất "thiếu tôn trọng", còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị ông Macron xem lại não của mình.
Còn Thủ tướng Canada Trudeau sau khi vô tình bị truyền thông tiết lộ trong cuộc trò chuyện cùng các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã lấy ông Trump ra làm trò cười thì Tổng thống Trump lập tức phản ứng, nói ông Trudeau là người "hai mặt" và bỏ không tổ chức cuộc họp báo kết thúc hội nghị như thông lệ.
Kế hoạch "hậu 70" đầy tham vọng
Nhưng dù những phát ngôn và hành động gây tranh cãi của một số lãnh đạo NATO đã phủ bóng đen lên hội nghị, cuối cùng các nước NATO vẫn thỏa hiệp với nhau về những mục tiêu chiến lược của liên minh này. Ngay cả các nhà quan sát hoài nghi nhất cũng không ai nghi ngờ về sự tiếp tục tồn tại của NATO.
Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo NATO đã tuyên bố "để đảm bảo an ninh, chúng ta phải cùng nhau hướng tới tương lai". Những bất đồng lớn nhất được cho là đe dọa đến tương lai của NATO trước khi bước vào thượng đỉnh dường như đã phần nào được giải quyết.
Một là, trước những lời chỉ trích của Tổng thống Trump, các nước châu Âu và Canada đã cam kết bổ sung 400 tỉ USD cho ngân sách NATO đến năm 2024 bên cạnh khoản 130 tỉ đã gia tăng từ năm 2016 đến nay. Với thắng lợi này, mặc dù vẫn còn những lời chỉ trích NATO nhưng ông Trump đã không còn gọi NATO là "lỗi thời" hay đe dọa sẽ rút nước Mỹ ra khỏi liên minh này như trước.
Hai là, các nước NATO cũng dàn xếp ổn thỏa mối quan hệ đầy trắc trở với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng và là chốt chặn cuối cùng của NATO trước vùng Trung Đông bất ổn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cuối cùng cũng rút lại lời đe dọa phủ quyết kế hoạch an ninh đối với các nước Baltic và Ba Lan ở vùng biên giới phía đông của liên minh này.
Và cuối cùng, dù có "chết não", các nước NATO cũng đã đồng thuận đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho giai đoạn "hậu 70" của NATO với bốn trụ cột chính là chống khủng bố, kiểm soát vũ khí, đối phó với Nga và đương đầu với Trung Quốc.
Nhìn vào chương trình nghị sự của NATO, có thể thấy dù mâu thuẫn nhưng cuối cùng các nước NATO cũng thống nhất về một cách tiếp cận có tầm nhìn cho tương lai của NATO, giữa các thách thức trực tiếp cũng như thách thức lâu dài, giữa những mối đe dọa truyền thống như Nga, Trung Quốc và phi truyền thống như khủng bố, phổ biến vũ khí.
Như ông tổng thư ký NATO đã dẫn lại lịch sử, trước đây đã không ít lần có những mâu thuẫn giữa các đồng minh như cuộc chiến kênh đào Suez năm 1956 khi Pháp cho rằng Anh đã phản bội đồng minh, hay gần đây nhất là cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 khi tổng thống Pháp Chirac lúc đó không ủng hộ cuộc chiến do tổng thống Mỹ Bush khởi xướng, nhưng NATO vẫn tiếp tục tồn tại.
Nói tóm lại, hội nghị lần này, như bà Heather Conley - giám đốc chương trình châu Âu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ - đã nói: "Có tuyên bố và kết quả thành công nhưng không có những màn pháo hoa xung quanh hội nghị”.
Mối đe dọa Trung Quốc
Trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử, sự nổi lên của Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này tăng cường “năng lực quân sự”, được NATO cho là mối đe dọa tiềm tàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận