Theo tờ New York Times ngày 16-5, một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thảo luận về khả năng đưa người sang Ukraine. Chính xác thì NATO cân nhắc đưa các nhà thầu và chuyên gia quân sự sang Ukraine cho công tác đào tạo binh sĩ cũng như bảo trì vũ khí.
Ông Macron đúng về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine
Ukraine được cho đã nhờ Mỹ và các nước NATO khác đào tạo 150.000 lính. Lâu nay một số lượng lớn binh sĩ Ukraine được đào tạo ở Đức và Ba Lan, song điều này đi kèm khó khăn trong khâu hậu cần, bao gồm việc phải đưa số lượng binh sĩ quá lớn như vậy đi ngược về tiền tuyến ở Ukraine.
Một số nước NATO, trong đó có Anh, Đức và Pháp, đang cân nhắc đưa nhà thầu quân sự tới Ukraine. Trong khi đó Nhà Trắng được biết đang đánh giá lại lệnh cấm nhà thầu Mỹ hoạt động ở Ukraine.
Tất cả các chuyển động trên phản ánh cách tiếp cận tổng thể của phương Tây và NATO đối với cuộc chiến Ukraine - Nga.
Từ tháng 2-2022, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, chiến lược của phương Tây đối với Kiev xoay quanh hai yếu tố: (1) ủng hộ quân sự và kinh tế mạnh mẽ nhằm giúp Ukraine trụ vững; và (2) tránh trực tiếp tham gia vào chiến trận vì lo xung đột lan rộng thành Thế chiến III, theo cách Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói.
Cách tiếp cận này cần đảm bảo hai điểm ngăn xung đột leo thang: Nga không tấn công các nước NATO, và các lực lượng phương Tây không trực tiếp tham gia đánh Nga ở Ukraine.
Vì lẽ đó, rất nhiều ý kiến phản đối Tổng thống Pháp Macron khi ông đề cập chuyện đưa lính NATO tới Ukraine.
Thực tế vào thời điểm đó, ông Macron cho rằng "không nên loại trừ khả năng nào". Xét bối cảnh của phát biểu trên, việc một quan chức NATO hay các nước thành viên tuyên bố "không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine thời điểm này" không thể là câu trả lời chính xác, hoặc chỉ chính xác đối với một câu hỏi sai bản chất của phóng viên.
Một cách dễ hình dung, việc ai đó không có kế hoạch làm điều gì đó vào lúc này không có nghĩa họ sẽ không làm vậy vào lúc khác.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc viện trợ Ukraine và các lệnh trừng phạt "yếu ớt" nhắm vào Nga không đem lại hiệu quả. Nga vẫn tìm cách trụ vững về mặt kinh tế, và thời điểm này đang có những bước tiến mới ở vùng Kharkov.
Vì lẽ đó, nếu New York Times đưa tin chính xác, không có gì lạ khi NATO cân nhắc một sự thay đổi mang tính chiến lược ở Ukraine, tức có thể đưa nhân sự tới hỗ trợ Kiev theo diện không trực tiếp giao tranh.
Rất khó để NATO đưa quân tới Ukraine?
Tất nhiên diễn biến mới tới lúc này vẫn chỉ dừng lại ở dạng "cân nhắc", và sẽ không ngạc nhiên nếu vài ngày tới sẽ xuất hiện các tuyên bố như "không có kế hoạch đưa người của NATO tới Ukraine lúc này".
Trong bài tổng hợp ý kiến chuyên gia trên website của Viện Carnegie ngày 16-5, đa phần nhà nghiên cứu trả lời câu hỏi đều nhận định các nước châu Âu không muốn đưa quân tới Ukraine, bất kể binh sĩ hay quân nhân của họ đóng vai trò hỗ trợ hay chiến đấu.
Lý do vẫn nằm ở chuyện không để xung đột lan rộng thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga hay châu Âu với Nga.
Với NATO, bao gồm Mỹ, mối lo lớn nhất là kịch bản một quân nhân thiệt mạng từ các đòn tấn công của Nga. Đây là lúc, xét lý thuyết, Điều 5 về nguyên tắc phòng thủ chung của NATO được kích hoạt. Nếu toàn bộ các thành viên NATO không trả đũa Nga theo Điều 5, sự nghiêm túc trong hiệp ước của liên minh quân sự này chắc chắn bị mỉa mai. Còn ngược lại, một phản ứng theo Điều 5 có thể dẫn tới Thế chiến III.
Với châu Âu, sẽ khó có chuyện một hoặc vài quốc gia đi đến quyết định gửi quân đơn phương tới Ukraine mà không có sự nhất trí của Liên minh châu Âu (EU) hay sự phối hợp với Mỹ.
"Đầu tiên và trên hết là mối hiểm họa cho mạng sống của binh sĩ châu Âu. Việc Nga xem quyết định chính thức gửi quân (tới Ukraine) như một động thái khiêu khích là điều chắc chắn. Nguy hiểm không kém sẽ là sự bất định trong phản ứng của công chúng đối với việc binh sĩ bị thương hay thiệt mạng...", Ulrike Franke, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), nói.
Nhìn chung kịch bản NATO đưa lính tới Ukraine không dễ xảy ra, nhưng không phải không có khả năng.
Thorsten Benner, đồng sáng lập và giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi), cho rằng nếu Nga có bước đột phá lớn và tiến tới Kiev trước cuộc bầu cử Mỹ, Washington và các đồng minh châu Âu gần như chắc chắn sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc giao tranh ở Ukraine.
Bầu cử Mỹ là một nhân tố quan trọng. Ông Benner cũng lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Biden sẽ cần thể hiện sự mạnh mẽ trước cuộc bỏ phiếu cực kỳ quan trọng vào cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận