Phát biểu trên kênh truyền hình ONT ngày 30-6, giờ địa phương, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Belarus Pavel Muraveiko đã bàn về các biện pháp đối phó với lực lượng NATO, bao gồm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Hôm nay có tới 10 nhóm chiến thuật tiểu đoàn NATO với tổng lực hơn 20.000 quân được triển khai gần biên giới của chúng tôi. Trong đó có nhóm của Mỹ", ông Muraveiko nói.
Ông cho biết Belarus lo ngại và theo dõi sát các động thái của quân NATO, chuẩn bị các biện pháp ứng phó.
"Chúng tôi giám sát cẩn thận mọi hành động của quân đội NATO và lực lượng vũ trang của các quốc gia có biên giới với chúng tôi. Chúng tôi nghiên cứu các thủ thuật và phương pháp họ hành động... Cho đến nay, chúng tôi đã đưa ra các phương án để đáp trả tất cả những hành động khiêu khích có thể và không thể tưởng tượng được", ông Muraveiko nhấn mạnh.
Theo ông Muraveiko, Belarus vẫn theo thông lệ lên tiếng về ngoại giao trước khi nổ súng và quân đội nước này sẵn sàng hợp tác. "Chúng tôi biết cách chiến đấu. Nhưng nhiệm vụ chính của chúng tôi là ngăn chặn áp dụng kiến thức này vào thực tiễn", ông tuyên bố.
Dù vậy, tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Belarus nhấn mạnh nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền và độc lập bị đe dọa.
"Chúng tôi đã được huấn luyện cách sử dụng những vũ khí (hạt nhân). Chúng tôi có thể tự tin sử dụng chúng, chúng tôi có khả năng đó. Và chắc chắn rằng chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu chủ quyền và độc lập của đất nước chúng tôi bị đe dọa", ông Muraveiko tuyên bố.
Belarus không có vũ khí hạt nhân, tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6-2023 xác nhận đã chuyển các đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho nước láng giềng thân cận.
"Như các bạn đã biết, chúng tôi đã đàm phán với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - đồng minh của chúng tôi - về việc chuyển một phần vũ khí hạt nhân chiến thuật đến lãnh thổ Belarus. Điều này đã được thực hiện", ông Putin tuyên bố khi đó.
Belarus muốn tránh xa quân sự hóa "nhân tạo"
Ông Muraveiko cho rằng vũ khí là món đồ chơi của các nhà sản xuất vũ khí. "Đây là lý do tại sao các cuộc chiến tranh nổ ra, để tiếp tục xây dựng và phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự", ông nói.
Ông cho biết Belarus có một chính sách khá đầy đủ để tránh xa các thái cực cực đoan và sự quân sự hóa "nhân tạo" này. "Về yếu tố ngoại giao đang diễn ra: thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau. Theo đúng nghĩa đen, chỉ trong vài ngày nữa, Cộng hòa Belarus sẽ trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải... Thứ hai, ngoài ngoại giao và liên lạc với các nước, chúng tôi còn hợp tác về công nghệ quân sự. Thứ ba, chúng tôi tham gia vào các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác", ông nói.
"Một trong những luận điểm cuối cùng có tác dụng răn đe là việc đưa vũ khí hạt nhân phi chiến lược trở lại lãnh thổ nước ta", ông Muraveiko nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận