30/01/2018 10:09 GMT+7

NASA ráo riết chờ trở lại Mặt trăng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đang thử nghiệm tàu vũ trụ Orion với hi vọng khởi đầu sứ mệnh tái chinh phục Mặt trăng vào đầu năm 2019.

NASA ráo riết chờ trở lại Mặt trăng - Ảnh 1.

NASA hi vọng tái chinh phục Mặt trăng vào đầu năm 2019 - Ảnh: Forbes

Theo tạp chí National Geographic, NASA đã có một loạt phép thử cho khoang tàu không gian Orion mô phỏng, được thiết kế để xác định xem liệu tàu vũ trụ này đã sẵn sàng cho việc đưa con người lên không gian hay không.

Khai phá nguồn lực trong không gian

Một nhóm các chuyên gia của NASA và hải quân Mỹ đã thu hồi thành công khoang tàu vũ trụ mô phỏng trên vùng biển ngoài khơi San Diego. Việc thử nghiệm này mô phỏng những gì sẽ xảy ra cho tàu vũ trụ trở về Trái đất sau chuyến bay dài.

Nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch, Orion sẽ trở thành tàu vũ trụ theo công nghệ tiên tiến của NASA để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo và thậm chí đi xa hơn vào không gian, bao gồm lên Mặt trăng và cả sao Hỏa.

Có thể nói chương trình này bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Donald Trump khi ông yêu cầu NASA phải thực hiện ý đồ tái chinh phục Mặt trăng để khai thác các nguồn lực còn chưa khai phá của không gian. 

Người của NASA từng đặt bước chân đầu tiên lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất từ năm 1969. Tuy nhiên, những ý tưởng về khai thác hành tinh này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chính vì thế khi ông Trump đặt bút ký "Chỉ thị chính sách không gian 1" vào ngày 11-12-2017 là có lý do: đây là ngày kỷ niệm 45 năm sứ mệnh chinh phục Mặt trăng của tàu Apollo 17. Phó phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Hogan Gidley, cho biết quyết định này của tổng thống Mỹ dựa trên khuyến nghị từ Hội đồng không gian quốc gia. 

"Lần này chúng ta không chỉ cắm cờ và để lại vết chân của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng trên đó các căn cứ cho chương trình chinh phục sao Hỏa và có thể một ngày nào đó sẽ chinh phục các hành tinh xa hơn" - Tổng thống Trump đưa ra mục tiêu cho NASA.

Quyết định của ông Trump được cho là đã làm đảo lộn kế hoạch của NASA vốn đã được định hình dưới trào Barack Obama. Lúc trước ông Obama đặt ra mục tiêu chinh phục sao Hỏa và tiến đến đưa người lên sao Hỏa.

Xây căn cứ di động trên cung trăng

NASA ráo riết chờ trở lại Mặt trăng - Ảnh 2.

Hải quân Mỹ hỗ trợ NASA thu hồi mô hình tàu Orion trên vùng biển ngoài khơi San Diego - Ảnh: US Navy

Ý định của ông Trump về việc lập căn cứ trên Mặt trăng được Phó tổng thống Mike Pence giải thích rõ hơn: "Căn cứ đó sẽ cải thiện cho an ninh quốc gia của chúng ta". 

Diễn giải ra thêm chút nữa thì có thể hình dung rằng Mỹ muốn xây dựng trên đó một "căn cứ quân sự di động" theo vòng quay của Mặt trăng để có thể làm tăng thêm khả năng phòng thủ và tấn công của Mỹ!

Chương trình tàu con thoi của Mỹ đã kết thúc từ năm 2011, và các tàu con thoi hiện đang được trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Kể từ năm đó, các phi hành gia Mỹ muốn lên Trạm không gian quốc tế (ISS) đã phải nhờ đến các tên lửa của Nga và NASA đã gửi hàng lên ISS thông qua các công ty tư nhân SpaceX và Orbital ATK.

Tàu vũ trụ Orion, do Hãng Lockheed Martin phát triển, là khoang chứa các phi hành gia và thiết bị nghiên cứu. Theo National Geographic, nó giống như một phiên bản cải tiến lớn hơn và hiện đại hơn của khoang tàu Apollo. 

Nó sẽ được kết hợp với Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) - một tên lửa mới đang được phát triển và thử nghiệm cùng một lúc. Mặc dù bị chỉ trích vì chi phí cao và sự chậm chạp triển khai quá mức, nhưng SLS vẫn tiếp tục phát triển. 

Tuy nhiên theo các chuyên gia, một khi đã sẵn sàng, nó sẽ mạnh hơn các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả loại tên lửa phóng Falcon Heavy của SpaceX, dự kiến sẽ có chuyến đi đầu tiên trong vài tuần tới.

Tuần rồi, NASA đã thử nghiệm quy trình trục vớt khoang tàu Orion với tàu đổ bộ hiện đại USS Anchorage. Khoang tàu mô phỏng có kích thước, hình dáng, trọng lượng hệt như khoang tàu sẽ dùng cho sứ mệnh sắp tới.

Nhóm nghiên cứu nhân đó kiểm tra hệ thống thiết bị hỗ trợ mặt đất, tấm chắn nhiệt của tàu (được thiết kế chịu được nhiệt độ lên đến hàng ngàn độ C khi nó trở lại bầu khí quyển), hệ thống dù của khoang tàu, tất cả các thiết bị điện tử và phần mềm nằm trong khoang tàu.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên