Cận cảnh tàu thăm dò InSight của NASA - Ảnh: REUTERS
InSight, tàu đổ bộ nghiên cứu sao Hỏa đầu tiên của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng thành công ra không gian nhờ tên lửa đẩy Atlas V lúc 17h05 ngày 5-5 (giờ VN).
Sứ mệnh của InSight là đặt nền móng cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa có người lái trong tương lai.
Mô phỏng cú hạ cánh lên sao Hỏa của tàu InSight - Nguồn: YOUTUBE
Khoảnh khắc tên lửa Atlas V rời bệ phóng ở căn cứ không quân Vandenberg (bang California) cũng đánh dấu lần đầu tiên một vụ phóng tên lửa liên hành tinh được tiến hành ở bờ tây nước Mỹ.
Các vụ phóng trước đây được tiến hành tại Trung tâm vũ trụ Kenedy ở bang Florida, bờ đông Mỹ.
Tên lửa đẩy Atlas V trước giờ rời bệ phóng - Ảnh: NASA
Nếu không có gì trục trặc, dự kiến hành trình dài 484 triệu km sẽ kết thúc khi tàu InSight chạm bề mặt sao Hỏa vào ngày 26-11 tới và sẽ ở lại đó trong vòng 26 tháng trên Trái Đất, tức khoảng bằng 1 năm trên sao Hỏa.
Dự án trị giá 993 triệu USD này sẽ giúp con người hiểu thêm về các điều kiện bên trong lòng sao Hỏa, lý giải cách thức hành tinh đỏ đã được hình thành như thế nào, tạo điều kiện cho việc đưa con người lên đó.
Jim Green, khoa học trưởng của NASA, khẳng định trước khi InSight hạ cánh lên vùng xích đạo của sao Hỏa (Elysium Planitia), con người đã biết được trên sao Hỏa cũng có động đất, lở tuyết và các vụ va chạm với sao băng.
"Nhưng sao Hỏa có dễ bị động đất hay không? Đó là câu hỏi quan trọng cần trả lời trước khi chúng ta đưa con người lên khám phá hành tinh đỏ", hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Green lý giải sơ lược về mục đích của dự án InSight.
Hiểu được nhiệt độ trên sao Hỏa như thế nào có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực đưa con người lên sao Hỏa trước năm 2030 của NASA.
Điều này cũng cho phép các nhà khoa học thiết lập được một nhiệt độ thích hợp cho các điều kiện sống của con người trên một hành tinh có sự chênh lệnh nhiệt độ lớn như sao Hỏa.
Nhiệt độ ban ngày vào mùa hè ở khu vực xích đạo của sao Hỏa vào khoảng 20 độ C nhưng đêm xuống có thể hạ tới mức -73 độ C.
Đa quốc gia
Đồ họa mô phỏng tàu InSight trên bề mặt sao Hỏa - Ảnh: NASA
Có thể gọi dự án InSight là một dự án đa quốc gia vì cả hai thiết bị quan trọng trên tàu đều không phải sản phẩm của nước Mỹ.
Thiết bị ghi nhận địa chấn, thứ sẽ được gắn trực tiếp lên bề mặt sao Hỏa bởi một cánh tay robot, do Cơ quan không gian Pháp chế tạo. Một sự cố liên quan tới thiết bị này hồi năm 2016 đã khiến sứ mệnh InSight bị dời lại tới 2 năm.
Trong khi đó thiết bị khoan tự hành theo dõi các dòng chảy nhiệt trong lòng hành tinh đỏ lại do Đức chế tạo với sự hỗ trợ của Cơ quan không gian Ba Lan. Thiết bị này dự kiến sẽ khoan sâu từ 3 tới 5m vào lòng sao Hỏa, sâu hơn bất kỳ dự án khám phá sao Hỏa nào trước đây.
Tất cả dữ liệu thu được sẽ được truyền về Trái Đất thông qua một bộ truyền phát tín hiệu đặc biệt, theo hãng tin Reuters. InSight được kỳ kọng sẽ ghi nhận ít nhất 100 cơn động đất trên sao Hỏa trong suốt thời gian hoạt động.
"Hi vọng là nó sẽ ở trên đó lâu hơn dự kiến", trưởng quản lý dự án InSight Tom Hoffman nói với AFP.
InSight là sứ mệnh khám phá sao Hỏa thứ 21 của Mỹ tính từ các sứ mệnh Mariner thập niên 1960. Hơn 20 dự án khám phá hành tinh đỏ cũng đã được tiến hành bởi các quốc gia khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận