Trong thông báo ngày 7-11, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hố đen đang ở giai đoạn phát triển ban đầu - điều vốn chưa từng được chứng kiến trước đây. Ở thời điểm này, khối lượng của hố đen tương đương với thiên hà chủ.
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ Đài quan sát tia X Chandra và kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết của một hố đen đang phát triển chỉ 470 triệu năm sau vụ nổ Big Bang (mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ).
Theo NASA, kết quả này có thể giải thích cách thức hình thành một số hố đen siêu lớn đầu tiên trong vũ trụ.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hố đen nói trên trong thiên hà UHZ1 cùng hướng với cụm thiên hà Abell 2744, nằm cách Trái đất 3,5 tỉ năm ánh sáng.
Ngoài ra, những dữ liệu do kính viễn vọng James Webb thu thập cho thấy thiên hà UHZ1 có vị trí ở xa hơn nhiều so với cụm thiên hà Abell 2744, ở cách Trái đất 13,2 tỉ năm ánh sáng, ở thời điểm vũ trụ chỉ bằng 3% so với tuổi hiện tại.
Trong vũ trụ học vật lý, tuổi của vũ trụ là thời gian trôi qua kể từ vụ nổ Big Bang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận