Tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA đã thực hiện một số chuyến bay ngang qua sao Thiên Vương vào năm 1986.
Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) kiểm tra lại dữ liệu của Voyager 2.
Họ nhận thấy cả 4 mặt trăng của hành tinh này, gồm Ariel, Umbriel, Titania và Oberon, đều có thể chứa các đại dương rộng lớn, sâu hàng chục km, bên dưới lớp vỏ băng giá của chúng, theo Telegraph.
Điều quan trọng, các mặt trăng này dường như có đủ nhiệt bên trong để ngăn nước đóng băng, mang lại hy vọng có sự sống ở hành tinh cách Trái đất hơn 2,7 tỉ km.
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu NASA đã xây dựng các mô hình mới kết hợp với dữ liệu từ kính viễn vọng trên mặt đất, cùng với những phát hiện từ sứ mệnh của các tàu vũ trụ Galileo, Cassini, Dawn và New Horizons.
Nhóm đã sử dụng mô hình đó để đánh giá độ xốp bề mặt các mặt trăng của sao Thiên Vương. Kết quả, họ phát hiện chúng có khả năng cách nhiệt đủ để giữ nhiệt bên trong, cần thiết để chứa một đại dương.
Ngoài ra, họ còn tìm thấy thứ có thể là nguồn nhiệt tiềm năng trong lớp phủ đá của các mặt trăng, giải phóng chất lỏng nóng và sẽ giúp đại dương duy trì môi trường ấm áp.
Nhóm cho biết mặt trăng Titania và Oberon có cơ hội tốt nhất trong tất cả các mặt trăng để hình thành sự sống.
Đại dương của các mặt trăng lớn hơn dường như cũng giàu clorua, muối và amoniac, giúp chúng khỏi bị đóng băng.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ thúc đẩy một sứ mệnh tới sao Thiên Vương để khám phá thế giới nước, tìm kiếm sự sống. Đồng thời tìm hiểu cách thức các mặt trăng tạo ra đủ nhiệt để giữ nước lỏng khi nó cách xa Mặt trời.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Julie Castillo-Rogez của JPL, cho biết trước đây các nhà khoa học cũng đã tìm thấy bằng chứng về đại dương ở một số thiên thể nhỏ - các hành tinh lùn và mặt trăng.
“Vì vậy có những cơ chế đang diễn ra mà chúng tôi không hiểu hết. Chúng tôi đang nghiên cứu những gì đang diễn ra trên các mặt trăng và trong Hệ Mặt trời", bà Julie nói.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal Of Geophysical Research.
Châu Âu nghiên cứu mặt trăng của sao Mộc
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gần đây đã triển khai sứ mệnh Juice để khảo sát các mặt trăng của sao Mộc. Các nhà nghiên cứu hy vọng thu được các dấu hiệu sinh học như khí methane, có thể gợi ý rằng sự sống đang phát triển mạnh bên dưới bề mặt băng giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận