Các bạn sinh viên ĐH Sài Gòn và đoàn viên thanh niên Q.5 cùng thực hiện những “bức tranh nắp cống” tại đường Tản Đà (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Q.NG. |
Trước đó, vào gần cuối tháng 3/2017, tại chân cầu Điện Biên Phủ (Q.1), những chú tê giác đủ màu sắc và kiểu dáng đã được vẽ lên các bức tường nhằm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ loài tê giác đã thu hút sự quan tâm của công chúng.
Mới đây, với mong muốn để người dân không nỡ vứt rác ngay trên miệng cống thì những nắp cống tại các tuyến đường trên địa bàn Q.5 được trang trí bởi những hình ảnh 3D vô cùng sống động.
Sản phẩm này do các bạn sinh viên ĐH Sài Gòn và đoàn viên thanh niên Q.5 phối hợp thực hiện. Điều mới lạ này khiến dân chúng không khỏi ngạc nhiên và thích thú.
Nhiều ý kiến trái nhiều
Phần đông người dân ủng hộ với hành động sáng tạo và khuyến khích nên “nhân rộng” các đoạn đường khác.
Chị Phạm Thị Hồng Vinh nói: “Một việc làm ý nghĩa, một thay đổi nhỏ trong cuộc sống tạo nên một tư duy tích cực, điều này góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn”.
Bạn đọc Thanh Hải không giấu nổi niềm vui: “Tôi rất hoan nghênh việc làm rất thiết thực của các bạn sinh viên. Nhiều đường phố sẽ trở nên xinh đẹp, sạch sẽ hơn rất nhiều nhờ những bức tranh trên nắp cống này.
Hy vọng, sắp tới những bức tranh sống động này sẽ thay thế những bề mặt sần sùi của các nắp cống trên địa bàn nhiều quận - huyện của thành phố”.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng việc vẽ những bức ảnh trên nắp cống, trên tường không nên làm vì chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và có thể chứa nhiều “hiểm họa”.
“Người dân mình khi tham gia giao thông thường rất hiếu kỳ, nếu cứ mải ngắm tranh trên nắp cống, bức tường thì dễ gây tai nạn, ách tắc giao thông”, đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Tú.
Bạn đọc Cao Đăng Khoa bộc bạch: “Theo tôi là không cần thiết. Tôi chỉ mong sao đường phố an toàn, cống không hôi thối, không có người chết vì vấp hay sụp cống hay bị miệng cống “nuốt” vào mùa mưa là quá đủ rồi”.
Hành động đẹp, nên khuyến khích
Thông điệp bảo vệ môi trường được "gửi gắm" trong mỗi nắp cống - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết việc đảm bảo an toàn hệ thống cống để phục vụ hạ tầng, mỹ quan đường phố là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chuyện sinh viên vẽ lên nắp cống để cải thiện giá trị cảnh quan đô thị là nên khuyến khích.
“Một số khu vực trung tâm thành phố có những nắp cống, bức tường đẹp thì đó là sáng kiến rất hay”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo ông Sơn cần lưu ý rằng không nên dùng một số vốn lớn để làm đẹp nắp cống, bức tường vì việc đảm bảo an toàn hệ thống cống vẫn là ưu tiên.
Những bức tường, nắp cống được vẽ lên những bức tranh đẹp vẫn hơn những bức tường, nắp cống không ai chăm sóc, vì vậy chúng ta nên trân trọng những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Đồng thời, các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện để các sinh viên, tình nguyện viên tiếp tục đóng góp cho thành phố đẹp hơn.
Không nên vẽ nắp cống dưới lòng đường
“Nếu trường hợp vẽ nắp cống ở dưới lòng đường thì sẽ gây nguy hiểm tới những người lưu thông ở trên đường. Theo tôi, chỉ nên vẽ nắp cống trên vỉa hè tại những đoạn đường đi bộ”, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhấn mạnh.
Bà Huệ giải thích, khi người điều khiển phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường mà bắt gặp những hình vẽ trên nắp cống với màu sắc sặc sỡ thì sẽ thu hút sự chú ý của họ, cùng với tâm lý tò mò muốn xem thì dễ bị xao nhãng và có thể gây tai nạn.
“Trước khi vẽ lên nắp cống nên chọn đoạn đường không gây nguy hiểm cho người đi bộ vì trên thực tế không phải vỉa hè nào cũng an toàn”, bà Huệ nói. Theo bà Huệ, hiện nay vẫn còn những nắp cống bị hở, khi người đi bộ cứ mải mê lo xem hình vẽ thì cũng có thể gây ra tai nạn cho chính mình.
Đường phố sẽ trở nên sạch hơn
Nắp cống được mới mẻ và sạch sẽ hơn trước đây rất nhiều - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ chia sẻ: “Theo tôi, khi các bạn sinh viên, tình nguyện viên vẽ lên nắp cống những bức tranh sống động sẽ làm cho đường phố sạch và hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn”.
Việc vẽ hình ảnh nghộ nghĩnh, bắt mắt với nhiều gam màu lên những nắp cống hay bức tường sẽ tạo nên “lực hấp dẫn” cho người dân xung quanh.
Khi đó họ cảm thấy cần phải giữ cho đường phố của mình sạch hơn vì nó đẹp, trong trường hợp mà đường phố không đẹp thì mọi người không có ý thức về việc giữ vệ sinh chung.
Khi thành phố có những hình ảnh đẹp và nhân văn sẽ tạo nên cho mọi người cảm giác dễ chịu khi đi trên đường, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nội dung vẽ, cách vẽ và thông điệp từ được “gửi gắm”.
“Ở nước ngoài, người ta vẽ những hình ảnh dễ thương lên trên các thùng rác. Bởi vì, khi vẽ lên các thùng rác sẽ thu hút sự chú ý của mọi người, làm cho mọi người ý thức hơn việc bỏ rác đúng chỗ qui định”. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> KTS Ngô Viết Nam Sơn
>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận