24/09/2019 13:02 GMT+7

'Nắp bình xăng ôtô doanh nghiệp Việt báo giá 4 USD, Thái Lan chỉ một nửa'

N.AN
N.AN

TTO - Chi phí sản xuất ôtô trong nước cao hơn nhập khẩu 10-20% không chỉ do sản lượng thấp, mà còn do chi phí phát sinh của nhà cung ứng, chi phí nhập nguyên vật liệu vì thiếu ngành phụ trợ và chi phí quản lý.

Nắp bình xăng ôtô doanh nghiệp Việt báo giá 4 USD, Thái Lan chỉ một nửa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ngành ôtô cho rằng cần có các chính sách trọng tâm thúc đẩy phát triển ngành để giảm giá xe, tăng tỉ lệ nội địa hoá - Ảnh: CP

Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita - chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - phát biểu như vậy tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội.

Ông Toru Kinoshita đánh giá quy mô thị trường và ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước ASEAN. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia chỉ nhập khẩu khoảng 10% linh phụ kiện thì Việt Nam nhập tới 80%.

Chỉ sản xuất được những chi tiết đơn giản

Theo chủ tịch VAMA, ngành sản xuất linh kiện ở Việt Nam có lợi thế như nhân lực chất lượng cao, chi phí nhân công thấp, chi phí vận chuyển giảm.

Tuy nhiên, do thiếu ngành công nghiệp vật liệu chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ phát triển hạn chế, quản trị và cung ứng còn thấp, nên doanh nghiệp chỉ sản xuất được một số linh phụ kiện đơn giản, hoặc có lợi thế so sánh như ghế ngồi, cụm dây điện…

Những chi tiết có yêu cầu cao hơn như động cơ, hộp số thì cần nhiều linh kiện có chất lượng cao hơn, doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Nguyên nhân là bởi quy mô thị trường nhỏ, năng lực sản xuất linh kiện hạn chế.

Ông Toru Kinoshita dẫn chứng một chi tiết của ôtô là nắp bình xăng, nhà cung cấp trong nước báo giá gần 4 USD trong khi Thái Lan báo giá chỉ một nửa. Các chi tiết liên quan đến dập, nhựa, khuôn mẫu cũng có chi phí cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các nước trong khu vực.

"Chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn nhập khẩu 10-20%, nên chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất ra xe và sản lượng thấp làm cho giá thành sản xuất cao hơn. Tổng chi phí vận chuyển linh kiện cũng cao hơn chi phí nhập", ông Toru Kinoshita cho hay.

Mặc dù các nhà sản xuất ôtô đã giúp đỡ và hướng dẫn doanh nghiệp nội địa, nhưng ông Toru Kinoshita cho rằng chi phí giá vẫn chênh lệch và doanh nghiệp không thể khắc phục được.

Ông Toru Kinoshita đề nghị Việt Nam thúc đẩy nội địa hoá sớm hơn như hỗ trợ nhà sản xuất linh kiện giảm đầu tư mua khuôn và đồ gá, miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư linh kiện, giảm chi phí nhập khẩu, duy trì thị trường tăng trưởng ổn định, đảm bảo hoạt động sản xuất trong nước bằng cách bù đắp chi phí 10-20%, thúc đẩy nhanh nội địa hoá linh kiện thép và nhựa cỡ trung bình.

'Việt Nam không thể cứ đi nhập ôtô'

Ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải - cũng cho biết sau hơn 15 năm đầu tư tại Chu Lai - Quảng Nam, THACO đã hình thành Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí (thử nghiệm vật liệu, gia công phôi thép, gia công định hình, gia công cơ khí chính xác, xử lý bề mặt và nhiệt luyện…) phục vụ sản xuất ôtô và linh kiện phụ tùng của THACO, đồng thời thực hiện gia công cho các đơn vị lân cận.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nói chung và ngành ôtô, ông Dương đề nghị tập trung các chính sách như miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí; sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ôtô sản xuất trong nước.

Cũng như triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và với các doanh nghiệp lớn. Có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tại hội nghị, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là sẽ thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hoá, tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

"Ngành công nghiệp ôtô tạo nhiều việc làm, tạo giá trị gia tăng cao, nên không thể nhập khẩu mãi ôtô. Chính phủ sẽ xem xét các kiến nghị của nhà sản xuất ôtô và đặc biệt là vai trò của DN đầu tư, phải có trách nhiệm hướng tói nội địa hoá sản xuất linh kiện trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng cao trong chuỗi giá trị, mục tiêu là 40-50%", phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ôtô và phụ trợ, chọn trứng trước hay gà trước? Ôtô và phụ trợ, chọn trứng trước hay gà trước?

TTO - Công nghiệp ôtô Việt Nam và công nghiệp hỗ trợ đang khá luẩn quẩn giữa việc ngành này phải phát triển thì mới kéo theo ngành kia, ngược lại ngành kia không phát triển thì ngành này cũng không phát triển được. Chọn cách nào?

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên