Não trạng của căm ghét

ĐẶNG HOÀNG GIANG 18/04/2016 19:04 GMT+7

TTCT - Ai định nghĩa được căm ghét? Nó là một cảm xúc, một thái độ, một thiên hướng? Vì sao người ta ghét? Lúc nào thì căm ghét trở thành bệnh lý? Nối tiếp loạt bài về bảy bước đi của căm ghét và làm nhục mua vui trên mạng, tác giả Đặng Hoàng Giang phác họa não trạng của căm ghét và đưa ra lý giải cho hiện tượng này.

 

 

>> 

>> 

>> 

>> 


Trong tiểu thuyết viễn tưởng mang tên 1984 do George Orwell viết năm 1949, hằng ngày người dân phải trải qua một nghi lễ tẩy não. Cứ đúng 11 giờ sáng, họ phải tập trung lại để xem một bộ phim mô tả kẻ thù quốc gia kéo dài hai phút và biểu lộ sự căm ghét của mình.

Hai phút căm ghét bắt đầu bằng những âm thanh kẽo kẹt gớm ghiếc như tiếng của một cái máy khổng lồ không được bôi trơn. Khuôn mặt của kẻ thù hiện lên màn ảnh. Người ta bắt đầu huýt gió chế giễu và rít lên, vừa khinh vừa sợ.

Ba mươi giây sau, trong phòng bắt đầu vang lên những tiếng gào căm thù. Trên màn ảnh, kẻ thù vẫn tiếp tục lải nhải những khiêu khích của mình. Mặt hắn dần dần biến dạng thành mặt cừu. Sang phút thứ hai, sự căm ghét đạt trạng thái điên loạn. Mọi người hò hét đến lạc giọng, ném đồ vật về phía màn ảnh.

Ngay cả Winston, nhân vật chính của tiểu thuyết, một người trầm tĩnh, thường tách khỏi đám đông và vốn hoài nghi cả cái hệ thống này, cũng chợt nhận ra mình cũng đang gào lên như người khác, gót chân đập điên dại vào chân ghế.

George Orwell viết tiếp, qua con mắt của Winston:

Điều kinh khủng nhất của Hai phút căm ghét không phải là việc người ta bị bắt phải hành xử như vậy, mà là ngược lại, người ta tự nguyện tham gia, không thể cưỡng lại được. Chỉ trong vòng ba mươi giây, mọi sự đóng kịch trở nên không cần thiết nữa.

Một cơn phấn khích gớm guốc của sợ hãi và hận thù, mong ước được giết, được tra tấn, được dùng búa tạ đập nát các bộ mặt, như một luồng điện truyền khắp phòng, biến tất cả thành một lũ điên gào thét, mặt mũi méo mó, không kiềm chế được.

Nhưng cơn thịnh nộ kia là một cái gì đó trừu tượng, một cảm xúc không định hướng, có thể được chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác giống như ngọn lửa của cái đèn hàn”.

Tới cuối phim, tất cả bị kiệt quệ về tinh thần, cảm xúc và thể xác. Nghi lễ căm ghét đã được hoàn thành.

Căm ghét = đau đớn + buồn phiền

Ngày nay, cư dân mạng chứng kiến và tham gia vào “Hai phút căm ghét” không phải chỉ một lần vào các buổi sáng, mà là thường xuyên, liên tục, nhiều lần mỗi ngày. Khác với các cư dân trong 1984, những người hằng ngày chỉ căm ghét đúng một đối tượng, lý do để căm ghét trỗi dậy giờ đây muôn hình muôn vẻ.

Người Việt ở nước ngoài ghét tôi vì những phát ngôn của tôi về phương Tây; dư luận hận hai người Việt ăn cắp kính vì cho rằng họ làm nhục quốc thể; Hồ Ngọc Hà bị ghét vì “giật chồng”; Dương Tường bị ghét vì “đạo dịch”; nữ sinh T. bị ghét vì đã làm tình với bạn trai, bạn trai T. bị ghét vì đã đưa clip lên mạng...

Càng tìm hiểu, tôi càng không rũ bỏ được cảm giác là ngày nay sự căm ghét “được chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác giống như ngọn lửa của cái đèn hàn”, và những cơn phấn khích của đám đông thì vẫn giống y như George Orwell đã mô tả.

Thế nhưng cái căm ghét ấy, cụ thể nó là gì? Nó là một cảm xúc, một thái độ, một tính khí? Đằng sau nó là cái gì? Cái gì xảy ra trong đầu và trong tim người ta khi họ ghét? Tôi bắt tay vào đọc những gì mà tôi có thể tìm được về chủ đề này. Nhưng hóa ra, cũng như tình yêu - “đố ai định nghĩa được tình yêu?” - căm ghét là một cái gì khó nắm bắt.

Trong cuốn Tâm lý của căm ghét, các tác giả Edward Royman, Clark McCauley và Paul Rozin điểm lại quan điểm của các triết gia từ thời Hi Lạp tới đương đại, và dường như không ai thống nhất với ai về bản chất của sự căm ghét. Với Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, căm ghét là ý thức về một đối tượng xấu xa.

Với Spinoza, triết gia Hà Lan cùng thời, nó là sự đau đớn cộng với buồn phiền và ý thức rằng nguồn cơn của nỗi đau nằm bên ngoài chúng ta.

Aristotle, triết gia Hi Lạp ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, lại cho rằng căm ghét không liên quan tới nỗi đau, nhưng bao gồm cố gắng muốn tiêu hủy đối tượng bị ghét, hoặc nhìn thấy nó bị phá hủy. Nếu giận dữ mong muốn đối tượng của mình bị đau đớn thì căm ghét muốn đối tượng của mình bị hủy hoại.

Triết gia Anh David Hume, thế kỷ 18, lại cho rằng cả tình yêu lẫn căm ghét không thể định nghĩa được, cả hai đều là những tình cảm cơ bản không thể chia nhỏ ra được.

Charles Darwin coi sự căm ghét như một tình cảm đặc biệt, không có những thể hiện đặc thù trên mặt người ghét, và mang hình hài của sự tức giận.

Descartes cho rằng căm ghét gần với sợ hãi và khiến người ta muốn tránh đi, Aristotle lại cho rằng nó liên quan tới thịnh nộ và khiến người ta muốn tấn công.

Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng căm ghét là một hội chứng, một “thái độ tình cảm”, chứa trong nó nhiều cảm xúc khác nhau. Một số khác cho rằng nó là một thiên hướng thay vì là một trải nghiệm của cảm xúc.

Một số khác nữa lại cho rằng căm ghét tới từ đánh giá rằng bản chất của đối tượng bị ghét là cái ác. Nếu như khinh bỉ tới từ ý nghĩ rằng người kia không có giá trị, thì căm ghét tới từ ý nghĩ rằng người kia là ma quỷ. Theo Alexander Shand, cảm giác đầu tiên - ghê tởm - khiến ta muốn rời xa đối tượng ta ghét; cảm giác thứ hai - giận dữ - lại khiến ta muốn tấn công.

Có một điểm các triết gia thống nhất: Niềm vui của căm ghét trái ngược với niềm vui của yêu thương. Nếu như sự nảy nở và khỏe mạnh của người ta yêu làm ta hạnh phúc, thì trong trường hợp người bị ghét, nó đem lại u sầu và đau đớn cho người ghét. 

Ta sung sướng khi bên cạnh người yêu, ghê tởm và giận dữ khi ở gần kẻ ta ghét. Người căm ghét rạng rỡ khi đối tượng của họ đau khổ, bị mất mát quyền lực hay bị hạ uy tín, và khổ sở khi thấy người kia hạnh phúc và mạnh mẽ.

Tình huống này trong tiếng Việt được mô tả là “nó cứ nhơn nhơn”. Nó giải thích vì sao những người ghét Hồ Ngọc Hà lại phát khùng lên khi thấy cô tiếp tục biểu diễn hay lên hình quảng cáo.

Cuối cùng, căm ghét là khởi nguồn của bạo lực, người ghét thường không còn một chút thương cảm hay trắc ẩn gì với đối tượng mình ghét, và họ có thể vạch ra những kế hoạch rõ ràng và hoàn hảo để tiêu diệt đối tượng, hoàn toàn lạnh lùng và không có cảm xúc.

“Ghét nguội” và "ghét lạnh"

Năm 2003, cùng năm John Schafer và Joe Navarro đề xuất tiến trình bảy bước của căm ghét, nhà tâm lý học người Mỹ Robert Steinberg đưa ra một bảng phân loại căm ghét thú vị. Theo ông, “căm ghét nguội” (cool hate) được cấu thành chủ yếu bằng sự ghê tởm, còn “căm ghét nóng” (hot hate) mang trong mình sự căm giận.

Đầu bên kia, còn nguội hơn nguội, chúng ta có “căm ghét lạnh” (cold hate), hay là sự khinh miệt. Đầu bên này, ở hai nấc tiếp theo của trạng thái nóng, chúng ta có “căm ghét sôi sục” (seething hate), và cuối cùng là “căm thù cháy bỏng” (burning hate), tổng hợp của tất cả các yếu tố trên: kinh tởm, khinh bỉ, căm giận và sợ hãi.

Nhìn vào những cung bậc căm ghét của Steinberg, tôi cho rằng mình đã là đối tượng chủ yếu của “ghét nguội” và “ghét lạnh”, một hỗn hợp của coi thường và kinh tởm. Phản xạ của người ghét trong trường hợp này là nhổ nước bọt và xa lánh. Những người như hai cô bảo mẫu, hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ và Dương Tường đã trải qua những cơn bão của “ghét nóng” và “ghét sôi sục”.

Còn Hồ Ngọc Hà, cô là đối tượng của mức độ ghét cao nhất, “ghét cháy bỏng”, thứ căm ghét có thể đun sôi bốc hơi cả biển nước La Vie và dầu gội đầu mà cô làm đại sứ quảng cáo. Trong cái căm ghét đó có tất cả mọi thứ, từ tởm lợm tới hận thù, và đặc biệt nhuốm màu sắc sợ hãi. Không phải vô cớ mà những người ghét cô gọi đối tượng của cảm xúc của mình là “Hồ ly tinh”.

Với họ, cô là ma quỷ, một quyền lực tối tăm, một đối thủ xứng tầm với điệp viên 007, chứ không chỉ là cái mà người ta có thể giẫm đạp dưới chân và nhổ nước bọt lên như hai cô bảo mẫu hay một ông tiến sĩ người Áo gốc Việt bơ vơ trong xã hội.

Các tác giả Edward Royman, Clark McCauley và Paul Rozin lại chia người ghét ra làm hai loại, phụ thuộc vào thái độ của họ với cái căm ghét mà họ có trong lòng, vào mức độ họ ôm ấp, bao bọc và nhập thân với nó.

Một loại là những người mà ta có thể gọi là “những người ghét yếu đuối” (các tác giả dùng chữ “faint-hearted” - có trái tim mong manh). Những người này bị sốc và hổ thẹn khi bắt gặp bản thân vừa căm ghét một ai đó. Trong một cuộc cãi vã ta có thể sinh ghét bà mẹ chồng hay một người bạn, cảm giác đó thoáng qua đầu, sau đó ta hối hận và xấu hổ về điều này.

Nhà tâm lý học, xã hội học người Đức Erich Fromm gọi loại căm ghét này là căm ghét có tính phản ứng, nó nảy sinh từ một tình huống nhất định, khi cá nhân hay một giá trị của người ghét bị tấn công. Nhóm kia là những người căm ghét “chuyên nghiệp”.

Họ ghét với tất cả trái tim, ghét với sự đam mê, thích thú, cộng với tự hào, và họ nỗ lực nuôi dưỡng để cái căm ghét này nảy nở hết cỡ. Trong trường hợp này, người ta không những không xấu hổ vì sự căm ghét của mình, mà nó còn được tôn thờ - nó đã trở thành một thái độ, một phần của hệ giá trị.

Với Erich Fromm, đây là cái ghét thuộc về bản chất, nó ngự trị bên trong con người ta, luôn tìm một cái cớ để được thể hiện ra bên ngoài. Những con người này không muốn yêu thương, họ cương quyết khước từ tình yêu. Họ hiến thân trọn vẹn cho căm ghét.

Những cơn bão căm ghét mà chúng ta chứng kiến trên mạng xã hội hiện nay thường được thổi bùng lên bởi những người căm ghét với tất cả say mê này. Không hẳn là nghề, nhưng công việc chủ yếu hằng ngày của họ là lên mạng tìm một đối tượng để ghét.

Hôm nay là mấy người ăn cắp mỹ phẩm ở nước ngoài, ngày mai là cô bé ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu, ngày kia là đám thanh niên giẫm đạp lên hoa, hôm sau nữa thì là mấy đứa choai choai chụp selfie trong đám tang ông nội. Họ luôn luôn ghét hết cỡ, đam mê và tự hào. Họ hằn học hết mình và độc địa một cách khoái trá.

Hiện diện một cơ chế bệnh lý

Đến đây, tình hình đã rõ hơn một chút. Chúng ta có những người căm ghét thất thường, ta tạm gọi như vậy, họ ghét theo tình huống, nhưng rồi nhanh chóng tìm đến với yêu thương và thân thiện.

Còn nhóm kia là những người có căm ghét ngự trị trong tim họ, những người ghét “chuyên nghiệp”. Nhưng vì sao người ta lại trở thành một người căm ghét chuyên nghiệp? Điều gì khiến người ta xua đuổi tình thương ra khỏi trái tim mình, khiến họ trở nên hằn học?

Hai nhà nghiên cứu Vitz & Mango chỉ ra rằng căm ghét là một cơ chế bệnh lý phục vụ cho cái tôi của người ghét ở nhiều khía cạnh. Trước hết, căm ghét ngăn cản người ta sống lại những ký ức và cảm xúc đau khổ trong quá khứ.

"Ghét thì thường dễ dàng hơn là thấu hiểu"

Leland R. Beaumont

Không phải vô cớ mà trong những phát ngôn đầy căm thù dành cho Hồ Ngọc Hà, nhiều phụ nữ kể rằng tuổi thơ của mình đã trải qua nhiều đau khổ vì có một người bố ngoại tình, làm gia đình điêu đứng.

Căm ghét hay đi liền với các tưởng tượng về phục thù, và nó làm người ta cảm thấy phấn khích và mạnh mẽ. Vì thế, tha thứ thường được coi là hành động của một kẻ yếu đuối, thậm chí hèn nhát, bởi anh ta đã buông thả quyền lực mà căm ghét và trả thù đem lại.

Một trong những “phần thưởng” lớn nhất mà căm ghét đem lại là cảm giác ưu việt về mặt đạo đức. Căm ghét ngăn cản người ta nhận ra những khiếm khuyết của bản thân, cũng như che mắt người ta trước những ưu điểm của đối tượng bị ghét. Căm ghét làm mù lòa. Người ta bám vào cái căm ghét của mình để cảm thấy bản thân có giá trị.

Hai nhà nghiên cứu John Schafer và Joe Navarro mà ta đã biết tới từ bài trước trích lời của một thiếu niên đầu trọc 15 tuổi, thành viên của một băng đảng ở California: “Nếu tôi không phải là một đầu trọc nữa thì tôi không còn là gì cả. Tôi không có lựa chọn gì khác ngoài việc là một tay đầu trọc. Tôi biết là mình sẽ chết một cái chết sớm và tàn nhẫn”.

Khi một thanh niên đầu trọc dừng căm ghét, bản sắc của anh ta bị phá hủy.

Tương tự, sự căm ghét những người “giật chồng” cấu thành một phần cơ bản của bản sắc một số “mẹ”. Họ chỉ có thể dừng sự thù ghét nếu như họ chấp nhận từ bỏ cái tôi hiện nay, trở thành con người khác, tự tin hơn, độc lập hơn, vững vàng hơn.

Nếu không làm được điều đó, họ cần tiếp tục căm ghét để tồn tại. Họ chắc hẳn cũng cảm nhận được điều này. Hành vi của Hồ Ngọc Hà đe dọa thế giới của họ, nhưng cũng cho họ một cơ hội để trở thành một ai đó, cho họ một chỗ đứng, một giá trị. Nếu không, cuộc đời họ sẽ trống rỗng, hình ảnh của họ sẽ sụp đổ và trở về nguyên gốc buồn bã của mình.

Trong rất nhiều trường hợp, người căm ghét coi mình là nạn nhân. Họ thấy mình bị tấn công và bắt buộc phải tự vệ. Những thanh niên đầu trọc cho rằng cuộc đời họ sẽ thật tốt đẹp nếu phụ nữ da trắng không cặp với người nước ngoài.

Tương tự, người ta thù ghét hai cô bảo mẫu Phương và Lý hay hai anh em ăn cắp kính Dũng và Phương vì họ cho rằng thế giới của họ bị xâm hại, họ phải tấn công những người này để khôi phục trật tự và các giá trị của mình.

Những người ghét Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh cho rằng cuộc sống cá nhân của họ sẽ thật bình yên nếu như những kẻ “xâm lăng” kia bị triệt hạ. Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về cái chủ nghĩa lý tưởng cuồng tín này ở bài tiếp theo.

Cuối cùng, thể hiện căm ghét một đối tượng đã được cộng đồng duyệt là đáng căm ghét là một hành vi nhằm giảm thiểu sự cô đơn và tăng giá trị bản thân. Người ta xuống tay với kẻ cắp để chứng tỏ phẩm chất đạo đức của mình, cùng nhau hành hạ đối tượng đó để cảm nhận được tình đoàn kết trong nhóm và để yên tâm là cộng đồng chấp nhận mình.

Giống như trong các xung đột giữa các dòng tộc hay giữa các băng đảng, thể hiện sự căm thù với kẻ bên ngoài là một cách để người ta bảo đảm có được sự yêu thương ở bên trong.

Trong các tài liệu tôi đọc về căm ghét, chữ pathology (bệnh lý) thường xuyên xuất hiện. Căm ghét cực đoan có thể là một trạng thái, một cảm xúc, một thái độ, nhưng điểm chung là nó cần được chữa trị.

John Schafer và Joe Navarro cho rằng ở bước cuối cùng trong tiến trình của căm ghét, khi những người ghét phá hủy đối tượng của mình, họ cũng bị phá hủy theo, trên cả bình diện tâm lý và vật lý.

Nhiều thập kỷ trước đó, Martin Luther King phát biểu tương tự: “Sự căm ghét làm méo mó tính cách của người ghét. Chúng ta hay chú ý tới hệ quả của căm ghét đối với những người hay những tập thể bị ghét, nhưng với người ghét, tình hình còn bi thảm hơn, còn hủy hoại hơn, còn gây chấn thương hơn.

Bạn ghét một ai đó và bạn bắt đầu làm những điều vô lý. Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh”.

Căm ghét, giống như tình yêu, là những trải nghiệm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét.

Chúng ta nhớ lại một status của một “mẹ” gửi tới đám báo chí đang được cho là chế nhạo các chị: “Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá. (...) Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check k sót tí nào nhá. Chị rảnh cực!”.

Khi thành bệnh lý, cái ghét trở nên vô biên, nó thành điều duy nhất để qua đó người ta định nghĩa chính mình. Cái ghét bệnh lý, theo tác giả Kernberg, được viện tới như một vũ khí để tự vệ. Ông viết: “Đó là hình ảnh của một bản thể đói khát, nổi giận, trống rỗng, đầy sự giận dữ bất lực, bực bội và sợ hãi trước một thế giới mà nó cho là cũng hằn học và hiềm thù như chính bản thân nó”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận