01/03/2008 15:06 GMT+7

Nào mình cùng đi chợ Mường Hum

BĂNG GIANG
BĂNG GIANG

TTO - Bạn có kế hoạch đến Sa Pa và muốn đi chợ Mường Hum? Với chi phí khoảng 200.000 đồng, từ Sa Pa bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về một phiên chợ rất bản sắc của miền cao.

5MW0ndKj.jpgPhóng to
Xuống chợ Mường Hum

Lên tàu Hà Nội - Lào Cai vào đêm thứ sáu, bạn sẽ có một ngày thứ bảy ở Sa Pa, sau đó dành cả ngày chủ nhật để đi chơi chợ Mường Hum - một phiên chợ độc đáo của người dân tộc trên vùng núi cao huyện Bát Xát, nằm cách Sa Pa hơn 50km về phía tây bắc.

Có thể đi ôtô hai cầu (sedan không đi được vì đường rất xấu) hoặc xe máy để đi theo một trong hai con đường tới chợ.

Con đường thứ nhất chỉ dành cho xe máy, xuất phát từ Sa Pa đi về phía đèo Ô Quy Hồ khoảng 10km có một ngã ba đi vào bản Khoang, huyện Sa Pa. Dọc đường đi tới Tả Giàng Phình bạn gặp một con suối ven đường rất đẹp. Qua thung lũng Sín Chải mênh mông với những thửa ruộng đẹp như bích họa, bạn có thể nhìn thấy ngọn núi Thất Chỉ Sơn sừng sững trên nền trời xanh ngắt và chói nắng nom như những ngón tay chĩa lên trời. Tiếp tục con đường cheo leo quanh co men theo sườn núi, bên dưới là thung lũng sâu với tiếng suối róc rách, biết đâu lại gặp vài chú ngựa đang chạy lang thang trên đường làm bớt đi sự vắng vẻ và yên lặng của núi rừng.

Con đường thứ hai dễ đi hơn là vòng về Lào Cai, chạy ngược sông Hồng lên đến Bản Vược thì rẽ trái, theo đường qua hệ thống hang động Mường Vi và thung lũng Bản Xèo hơn 30km thì tới ngã ba Cắn Tỷ. Các tour đi chợ Mường Hum từ Sa Pa thường đi theo đường này.

Từ ngã ba Cắn Tỷ tiếp tục đi thêm 6km, bạn sẽ gặp thung lũng Mường Hum thơ mộng nằm trên sườn núi, dưới chân có một dòng suối lớn uốn quanh. Chợ Mường Hum họp một tuần một lần vào chủ nhật, là nơi hội tụ và giao lưu văn hóa của tám xã vùng cao gồm: Bản Xèo, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung, Pa Cheo, Tả Phìn và Mường Hum.

ttRH1Aus.jpgPhóng to
Quang cảnh rộn rịp nơi phố chợ

Đây là một phiên chợ rất sôi động và rực rỡ sắc màu của bà con các dân tộc: Dao đỏ, Mông, Hà Nhì, Hán, Dáy…Tuy cùng một dân tộc nhưng cách phục sức cũng khác nhau tùy vị trí địa lý. Ví dụ người Dao đỏ ở Sa Pa dùng khăn đội đầu màu đỏ có viền trắng, quần áo màu chàm nhưng người Dao đỏ ở Nậm Pung hay Dền Sáng lại quấn khăn hình hoa công cao như chiếc mũ trên đầu, quần áo sặc sỡ. Người Hà Nhì luôn quấn những búi tóc giả bằng len rất to hoặc tết lại thành vòng quanh đầu. Người Mông lại choàng khăn kẻ nhiều màu, quần áo kiểu cách và nhiều họa tiết trang trí.

Những ngày chợ phiên, quán xá ở đây rất bận rộn, muốn ăn cơm phải đặt trước, chủ yếu là bán mì, phở, bún, xôi màu hoặc bánh rán. Người miền núi xuống chợ thường đùm theo nắm cơm, vào quán gọi thêm đĩa thịt gà, bát phở và chén rượu là cả gia đình có thể ngồi trên nhà sàn vừa ăn trưa vừa ngắm người đi dưới đường.

Quán ăn ngon nhất và lớn nhất ở chợ là quán Chí Hiếu nằm bên dòng Mường Hum nhỏ, bà chủ quán sắc sảo và cô con gái xinh đẹp luôn tay phục vụ, cả khách Tây lẫn khách ta. Bữa trưa thường có thịt gà, cá suối, thịt dê, thịt bò, thịt lợn Mán và rau cải mèo, một loại rau nổi tiếng của vùng cao.

Khoảng 2g chiều, chợ bắt đầu vãn. Những người dân tộc lại lầm lũi địu hàng trở về bản, trở về nhà mình trên triền núi. Bạn cũng chia tay Mường Hum trở về Sa Pa trong sự lưu luyến bâng khuâng hoặc về ga Lào Cai trước 6g chiều để bắt chuyến tàu đêm về Hà Nội.

Từ Sa Pa có thể thuê xe máy để khám phá dọc đường tới chơi chợ Mường Hum, hoặc bạn có thể mua tour của các văn phòng du lịch tại Sa Pa, nhờ lễ tân khách sạn tìm xe đi Mường Hum...

Chỉ với chi phí khoảng 200.000 đồng là bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về một phiên chợ rất bản sắc của miền cao.

BĂNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên