04/01/2017 14:56 GMT+7

Não, đầu gối... cũng có bộ phận mới được phát hiện gần đây

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Không chỉ màng treo ruột mới được phát hiện vừa qua, trước đó không lâu, giới khoa học cũng đã công bố tìm ra những bộ phận mới nằm trong não, đầu gối...

Não người là bộ phận rắc rối và vẫn còn rất nhiều bí ẩn - Ảnh: humanbrainfacts
Não người là bộ phận rắc rối và vẫn còn rất nhiều bí ẩn - Ảnh: humanbrainfacts

Trong não có hệ bạch huyết

Trong não có hệ bạch huyết là phát hiện chấn động giới khoa học năm 2015 và công trình này được đăng trong tạp chí Tự nhiên

Các nhà nghiên cứu tại Đại học y Virginia, Mỹ do hai giáo sư Antoinne Louveau và Jonathan Kipnis dẫn đầu đã phát hiện một hệ mạch được đặt tên là "hệ bạch huyết thần kinh trung ương", giúp chuyển dịch bạch huyết từ não sang các mấu bạch huyết xung quanh.

Trong tất cả những bộ phận khác của cơ thể, khi một tế bào bị tổn thương, các phân tử và mầm bệnh được chuyển đến các mấu bạch huyết, nơi bạch cầu sẽ được kích hoạt để chiến đấu. Giáo sư Kipnis nói: "Chúng tôi từng nghĩ rằng trong não không có hệ bạch huyết này. Khi lần đầu tiên thấy hệ bạch huyết trong não, tôi hoàn toàn chết lặng".

Trước đó, trong nhiều thế kỷ, các nhà khoa học không tìm thấy hệ bạch huyết này bởi nó nằm sâu trong bộ não, tại các xoang của màng cứng não.

Đầu gối không chỉ có 4 dây chằng

Mô phỏng khớp gối - Ảnh minh họa
Mô phỏng khớp gối - Ảnh minh họa

Cuối năm 2013, các bác tại Đại học bệnh viên Leuven, Bỉ tuyên bố phát hiện ra dây chằng thứ năm trong đầu gối. Công trình này được đăng trong Tạp chí giải phẫu học.

Trong lịch sử y học, chấn thương khớp gối - cấu trúc bao gồm nhiều xương, sụn, dịch, dây chằng (nối xương với xương) và gân (nối cơ với xương) - rất phức tạp và nhiều người không hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật.

Bác sĩ Steven Claes cho biết hầu hết các trường hợp đứt dây chằng trước đều đứt luôn dây chằng trước bên. Nhưng trước đây, các bác sĩ chỉ nối dây chằng trước mà không biết dây chằng trước bên khiến đầu gối không thể hoạt động như trước.

Trước khi nhóm bác sĩ do giáo sư Steven Claes và Johann Bellemans dẫn đầu, nghiên cứu kỹ lưỡng để khẳng định và đặt tên cho dây chằng thứ năm, nhiều bác sĩ lờ mờ nghĩ rằng có một cấu trúc nào đó trong khớp gối nhưng không biết nó là gì.

Quyết liệt nhất trong số này là bác sĩ giải phẫu người Pháp Paul Segond khi vào năm 1879 nhận định rằng trong khớp gối phải còn có một bộ phận "bí hiểm" nữa nhưng không chứng minh được đó là gì như giáo sư Steven Claes làm được.

Ruột thừa không hề thừa

Mô phỏng ruột thừa (phần dư ra phía dưới) - Ảnh: webmd
Mô phỏng ruột thừa (phần dư ra phía dưới) - Ảnh: webmd

Năm 2015, nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Hệ miễn dịch tự nhiên cho biết công dụng rất lớn của ruột thừa, bộ phận vốn gây hoang mang cho các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ vì không biết chức năng của nó là gì. Và nhiều người chỉ biết đến ruột thừa đó là chứng viêm ruột thừa, phải phẫu thuật cắt bỏ.

Nghiên cứu cho biết ruột thừa chính là "hồ chứa" khổng lồ của những vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Những vi khuẩn sống trong ruột thừa giúp ruột già khỏe mạnh và ngăn chặn nhiễm trùng đường ruột. 

Gabrielle Belz, giáo sư tại Viện Walter and Eliza Hall ở Melbourne giải thích: "Chúng tôi tìm thấy nhiều tế bào bạch huyết giúp ruột thừa sản sinh những vi khuẩn có lợi cho cơ thể".

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế Đại học Duke, North Carolina, Mỹ cho biết sau khi các vi khuẩn tiêu hóa gần như bị quét sạch khỏi cơ thể vì bệnh dịch tả hay kiết lị, ruột thừa lại đưa những vi khuẩn sống trong đây vào trở lại hệ thống tiêu hóa.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên