TT - Nếu như người Đan Mạch tự hào với nàng tiên cá trong chuyện thần tiên của Andersen thì đối với người dân Warsaw (Ba Lan), nàng tiên cá chiếm chỗ rất thiêng liêng trong trái tim họ.
Những ngày sắp bước vào mùa Euro này, đi đâu trên phố Warsaw chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh nàng tiên cá. Người Warsaw biết rõ nàng tiên cá đã trở thành “công dân toàn cầu”.
Từ nàng tiên cá cầm khiên và kiếm...
Ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) có bức tượng Nàng tiên cá nổi tiếng của nhà điêu khắc Edvard Eriksen. Ở thị trấn Cumbernauld (Scotland) có tượng nàng tiên cá khổng lồ bốn tay. Ở New York (Mỹ) có ngày hội Nàng tiên cá. Ngay cả trong phim Cướp biển vùng Caribê phần 4 cũng có các nàng tiên cá xinh đẹp quyến rũ ngự trị ở địa danh vịnh Mũ Trắng.
Nhưng không nàng tiên cá nào trên thế giới giống như nàng tiên cá cầm khiên và kiếm ở Warsaw. Warsaw chọn nàng làm biểu tượng của thành phố mình và in hình nàng trên logo riêng quảng bá Euro 2012. Điều này thật kỳ lạ vì về mặt địa lý, Warsaw nằm bên trong đất liền (cách xa bờ biển những 300km), vậy tại sao tôn thờ nàng tiên cá?
Thật thú vị khi nghe cư dân Warsaw diễn giải đầy tự hào về cái tên thành phố tráng lệ 700 năm tuổi của họ. Warsaw - tiếng bản xứ Ba Lan là “Warszawa” - được tạo bởi wars (người đánh cá) và sawa (nàng tiên cá trên sông Vistula). Truyền thuyết kể rằng những người đánh cá đã bắt được nàng tiên cá ở sông Vistula. Khi được thả ra, nàng tiên cá ghi ơn và bảo nàng rất yêu quý mọi người ở đây và hứa sẽ trở lại giúp bảo vệ thành Warsaw mãi mãi. Giờ đây, hình ảnh nàng tiên cá được dựng trang trọng giữa quảng trường trung tâm Rynek Stare Miasto trong lòng khu phố cổ ở Warsaw - khu vực được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
... Đến nàng tiên cá khoác áo tuyển Ba Lan
Trong một ngày thời tiết mát lạnh như kem, chúng tôi tìm đến những con đường lát gạch nơi phố cổ và cảm nhận bầu không khí bóng đá ở nơi này. Những quầy hàng lưu niệm trông rực rỡ hơn bởi hai màu trắng - đỏ và biểu tượng đại bàng của Ba Lan, tạo điểm nổi bật cho gam màu trầm mặc xưa nay của phố cổ. Những tốp học sinh tiểu học, trung học đang xúm xít được giáo viên dẫn đi tham quan phố cổ. Các du khách đến Ba Lan xem Euro thi nhau chụp hình lưu niệm khắp mọi ngóc ngách phố cổ.
Dĩ nhiên địa điểm mà hầu hết du khách đến Warsaw mùa bóng đá không thể không chiêm ngưỡng và chụp hình, đó chính là tượng mỹ nhân ngư cầm khiên và kiếm. Hình ảnh nàng đang được dán trang trọng bên thành những chiếc xe buýt chạy ngược xuôi trên phố xá thủ đô. Hình ảnh nàng được vẽ trong những panô bóng đá ở các góc phố với nét mới rất thú vị: nàng được khoác lên mình chiếc áo trắng sọc đỏ của đội tuyển Ba Lan.
Điều thú vị là việc cho nàng tiên cá mặc áo tuyển Ba Lan mùa Euro như thế không làm người Warsaw tức giận. Trong khi lúc thủ đô này đăng cai cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006, một họa sĩ nổi tiếng đã bị chỉ trích kịch liệt vì “lỡ tay” vẽ biểu tượng nàng tiên cá mặc áo lụa đỏ một dây, khoe ra nửa đôi “gò bồng đảo” gợi tình trên tấm poster quảng bá. Thế mới hay nàng tiên cá được tôn thờ như thế nào và mới hay bóng đá được người Ba Lan yêu mến ra sao.
Chiều đi trên phố cổ Warsaw, chúng tôi cảm nhận về một nghị lực mạnh mẽ của dân tộc Ba Lan không chỉ qua biểu tượng nàng tiên cá. Phố cổ thuộc hàng đẹp nhất của châu Âu có từ thế kỷ 18 này từng bị tàn phá gần như hoàn toàn vì bom đạn ở Chiến tranh thế giới thứ II. Thế nhưng sau chiến tranh, người Ba Lan đã quyết tâm khôi phục xây dựng lại phố cổ giống hệt như cũ, từ những đoạn tường thành cổ đến pháo đài, công viên chiến hào và nhà thờ St.John mà nay những tín đồ túc cầu đang vào cầu nguyện cho đội tuyển nhà. Tất cả đều được phục chế giống hệt nguyên bản khiến bấy giờ cả thế giới phải ngả mũ trước tài năng và ý chí của người Ba Lan trong lĩnh vực phục chế công trình cổ!
Ngồi bên những giàn hoa violet ở quảng trường Rynek Stare Miasto bên cạnh các du khách thập phương đang đổ về Ba Lan để chuẩn bị xem bóng đá, chúng tôi hoài nhớ đến quá khứ vàng son của bóng đá Ba Lan ở thập niên 1970 đầu 1980 khi “đại bàng trắng” đoạt huy chương vàng Olympic tại Munich năm 1972, hạng ba hai kỳ World Cup 1974 và World Cup 1982 với thủ lĩnh Lato.
Giờ đây với cơ hội thi đấu Euro trên sân nhà, các tuyển thủ trẻ của HLV Franciszek Smuda có giấc mơ sẽ khôi phục kỷ nguyên vàng năm xưa của bóng đá nước nhà hệt như cha anh họ đã phục dựng thành cổ thiêng liêng từ đống tro tàn một cách ngoạn mục.
Truyền thuyết kể rằng từ khi nàng tiên cá biến mất vào dòng nước sông Vistula xanh thẳm, đến nay nàng chưa bao giờ xuất hiện trở lại để bảo vệ Warsaw như đã hứa. Euro 2012 sẽ là dịp tốt nhất để nàng trở lại giúp đội Ba Lan chiến thắng?
TRUNG NGHĨA (từ Warsaw)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận