TTCT - Tổng thống Mỹ Barack Obama trong phát biểu khai mạc Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại trung tâm Sunnylands, California, đã giải thích tại sao ông không chọn họp ở Washington mà tại đây: “Ở đó thì lạnh lẽo, tuyết rơi. Đón chào đến Sunnylands ấm áp, xinh đẹp này”. Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và các nhà lãnh đạo ASEAN ở Sunnylands -Reuters Một giải thích có lẽ mang tính biểu tượng, phản ánh thực trạng hiển nhiên của ASEAN: đây không phải là một khối thuần nhất về phát triển kinh tế, xã hội cũng như chính trị và giềng mối quan hệ ngoại giao. Muốn hay không muốn cũng có những nước đã và đang là đồng minh với Mỹ, thậm chí thọ ân Mỹ, và ngược lại đã từng oan cừu hoặc đã quen với những mối quan hệ cố cựu “anh em”... Có những nước mà sự vận hành chính trị và xã hội tuy khác với Mỹ về mức độ song cũng cùng hướng và ngược lại... Thành ra nói đến ASEAN như là một cộng đồng chung mới chỉ là nói đến một khát vọng, đúng như khẩu hiệu “ASEAN, một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Ngay trong nội bộ ASEAN, những phân hóa chính trị và chính thể, từ một ASEAN “năm nước” năm 1967, đã chỉ khép lại vào năm 1995 sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN rồi sau đó là Lào (năm 1997) và Campuchia (năm 1999). Cũng thế, quan hệ ASEAN (10 nước) và Mỹ mới chỉ bắt đầu từ việc Mỹ tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á vào năm 2009, dưới trào Tổng thống Barack Obama. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đã kết thúc cũng tròn 20 năm, mối quan hệ này đã có thể phát triển nhanh, trở thành “đối tác chiến lược” từ tháng 11 năm ngoái. Thế nhưng, không hẳn sự phát triển quan hệ này đã được cảm nhận đồng đều ở cả 10 nước. Tỉ như Phnom Penh là một thủ đô mà những cảm nhận về mối quan hệ ASEAN - Mỹ không phải là màu hồng. Chưa đồng sàn đã dị mộng Chính vì thế mà vào cuối tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry còn phải cất công bay đến các thủ đô Vientiane, Phnom Penh “làm việc” để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này. Thông cáo đề ngày 25-1 của tòa đại sứ Mỹ tại Vientiane ghi rõ: “Sáng nay, Ngoại trưởng Kerry đã gặp Thủ tướng Thongsing Thammavong để bàn việc chuẩn bị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sẽ được Mỹ và Lào cùng đăng cai vào tháng tới tại California”. Còn tại Phnom Penh, trong một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-1-2016, Ngoại trưởng Kerry kể ông “đã tóm lược cho Thủ tướng (Hun Sen) các kế hoạch của thượng đỉnh đặc biệt tại Sunnylands, rằng điều đó sẽ cho phép một cuộc đối thoại thoải mái, cởi mở hơn giữa các nhà lãnh đạo với nhau...”. Ngoại trưởng Kerry cũng không giấu giếm những chuyện chẳng đặng đừng đã bàn ở Phnom Penh và sẽ còn bàn tại Sunnylands: “Chúng ta nên lưu tâm rằng để mối quan hệ của chúng ta tiến triển, nhất thiết phải thẳng thắn, bộc trực. Những người bạn cần phải nói với nhau về cả những gì họ thấy là tốt lẫn những gì họ thấy rằng cần cải thiện. Và thậm chí về các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền...”. 21 ngày sau, Tổng thống Obama chỉ nhắc qua trong phát biểu khai mạc Thượng đỉnh Sunnylands: “Cùng nhau chúng ta có thể tiếp tục nâng đỡ các khát vọng và phẩm giá của các công dân chúng ta... Bằng cách tham gia TPP, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Brunei đã cam kết các chuẩn lao động và môi trường cao hơn... Nhân phẩm, bao gồm nhân quyền... chính là tầm nhìn của chúng ta”. Nếu như Tổng thống Obama chỉ nói phớt qua thì một vài tờ báo Mỹ lại “nói nặng”, như tờ Los Angeles Times, mà tòa soạn không xa trung tâm hội nghị thượng đỉnh Sunnylands bao nhiêu. Ba ngày trước thượng đỉnh, tức 12-2-2016, báo này còn giật tít: “Một đám độc tài đang đến Nam Cali”. Trước đó, từ hôm 4-2, tờ Washington đã chạy tít: “Ông Obama không nên cứ im lặng về vấn đề nhân quyền tại Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ”. Trong bầu không khí đó, Thượng đỉnh Sunnylands chưa khai diễn, ông Hun Sen đã “nộ khí xung thiên” ngay khi đặt chân tới California. Khmer Times ngày 15-2 tường thuật: “Trong một bài phát biểu tràng giang đại hải trước những người cầm quyền ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia ở California hôm qua 14-2, Thủ tướng Hun Sen đã đả kích Chính phủ Mỹ cũng như phe đối lập, và cho biết sự hiện diện của ông tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng không khác so với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Hun Sen cho biết ông tham dự hội nghị thượng đỉnh là người lãnh đạo của một quốc gia có chủ quyền. Ông nhắc nhở cử tọa rằng chính phủ của ông là một đối tác của Washington chứ không phải một người hầu”. Khmer Times thuật tiếp: “Sau đó ông Hun Sen chỉ trích việc Mỹ hay phê phán các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, mặc dù nước Mỹ đang nợ Trung Quốc những số tiền đáng kể”. Theo The Diplomat ngày 12-2, mới hôm 5-2, trong một buổi lễ tốt nghiệp đại học, ông Hun Sen nói ông đang tìm kiếm một lời xin lỗi từ những ai đã chỉ trích ông năm 2012, khi ASEAN không thể ra được tuyên bố chung cho Hội nghị các ngoại trưởng với Campuchia là chủ tịch luân phiên. Ông Hun Sen thuật lại rằng trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ông đã thể hiện rõ sự bực tức với những “cáo buộc bất công” nhằm vào ông và Campuchia về chuyện Biển Đông. Tất nhiên, không chỉ mỗi ông Hun Sen bực dọc. Hôm 13-2, tức chỉ hai ngày trước khi thượng đỉnh khai mạc, đại biện lâm thời của Mỹ tại Thái Lan là Patrick Murphy đã lên tiếng khẳng định Washington sẽ không đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến tự do ngôn luận và các vấn đề nhân quyền khác trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, tại Sunnylands. Từ đó có thể thấy hội nghị thượng đỉnh, mà trọng tâm là tìm kiếm một sự đồng lòng với một tầm nhìn chung về một trật tự trên Biển Đông, chưa mở màn đã bị “đe dọa” rồi. Thành ra, ông Obama có giảm liều lượng “lên lớp” về nhân quyền trong diễn văn khai mạc cũng là dễ hiểu. Thật ra, báo chí Mỹ trong sự kiện này đã làm “lớn chuyện” như thường lệ, chứ không phải chính quyền Obama vốn không muốn mất đồng minh hay đối tác tiềm năng trong ý muốn cùng thiết lập “trật tự khu vực” ở Đông Nam Á và trên Biển Đông. Bản thông cáo chung và những nghi kỵ Trong bối cảnh đó, đến hết ngày họp thứ nhất, một “rò rỉ” bản dự thảo thông cáo chung ASEAN - Mỹ đã được phát ra từ ban Khmer ngữ của Đài VOA để báo chí các nước cùng đăng tải, như một động thái dọn đường dư luận. Rồi đến cuối ngày họp thứ nhì, thông cáo chung được công bố chính thức: “... Chúng tôi, các lãnh đạo nhà nước/chính phủ của các nước thành viên ASEAN và của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhân cơ hội này tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng sẽ hướng dẫn sự hợp tác của chúng tôi tiến về phía trước: 1) Hỗ tương tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập chính trị của mọi quốc gia bằng cách duy trì vững chắc các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế”. Như vậy, nguyên tắc thứ nhất xác định quan hệ Mỹ và ASEAN là cam kết quen thuộc kiểu Đông Nam Á: “không can thiệp vào công việc nội bộ”! Nhưng đồng thời cũng hứa hẹn: “Đảm bảo cơ hội cho tất cả các dân tộc chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, tăng cường quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản, khuyến khích thúc đẩy sự khoan dung và điều độ và bảo vệ môi trường;” (nguyên tắc 4). Đây là một cam kết “đương nhiên” mà mọi lãnh đạo đều nghĩ đến, bằng hình thức này hay hình thức khác, với vận tốc này hay vận tốc khác, tùy trách nhiệm mỗi người chứ không bị ép buộc, như có thể thấy qua nguyên tắc (1): “tôn trọng hỗ tương chủ quyền...”. Bên cạnh việc hóa giải nghi kỵ can thiệp làm thay đổi chế độ, một mối nghi kỵ khác cũng được đề cập trong thông cáo chung bằng một ngôn từ đầy tính công pháp quốc tế và không nêu đích danh một “đối tượng” hay địa danh nào cụ thể, để không “bên thứ ba” nào lên tiếng rằng có một liên minh chống lại họ đang hình thành: “6. Gắn kết chặt chẽ vào một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ nhằm duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước; 7. Cùng cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với những nguyên tắc đã được thừa nhận toàn cầu bởi luật pháp quốc tế và Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS); 8. Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không, cùng các việc sử dụng hợp pháp khác các vùng biển, và việc giao thương hàng hải hợp pháp không bị cản trở, như đã được mô tả trong Công ước của Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS) cũng như việc phi quân sự và tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động; 9. Cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để xử lý những thách thức chung trên biển”. Các nguyên tắc (6), (7), (8), (9) chỉ là sự lặp lại nội dung UNCLOS, là một sự tuyên xưng luật pháp quốc tế. Có duy trì được các nguyên tắc trên mới duy trì được vai trò của ASEAN trong khu vực và trong châu Á - Thái Bình Dương, như nguyên tắc (5) đã nhắc lại: “Tôn trọng và hậu thuẫn tính trung tâm của ASEAN cùng các cơ chế do ASEAN lãnh đạo trong cấu trúc khu vực đang chuyển biến của châu Á - Thái Bình Dương”. ■ Tags: Hội nghị thượng đỉnhQuan hệ Mỹ và ASEANThượng đỉnh SunnylandsTham gia TPP
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.