Ông Lê Văn Liền (KP3, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ tay vào dấu đỏ trên cột điện là mặt đường dự kiến nâng lên của quốc lộ 13 cũ. Theo ông Liền, nếu nâng đường như thế sẽ chắn hết cửa ra vào nhà ông và nhiều nhà người dân trong khu vực - Ảnh: HỮU KHOA |
Theo đó sẽ nâng mặt đường so với hiện hữu từ 0,4 - 1,91m. Tuyến đường trên dài khoảng 1,4km và có đến 396 hộ dân sẽ có nhà thấp hơn đường từ 0,4 - 1,91m sau khi đường được cải tạo, nâng cấp xong.
Tôi mong cơ quan chức năng cân nhắc làm sao cho việc nâng đường được hài hòa, chứ không thể chỉ vì mục tiêu chống ngập mà đẩy cái khó về cho người dân |
Một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cao quốc lộ 13 cũ |
Làm theo quy hoạch, dân lo lắng
Đoạn quốc lộ 13 cũ chưa có hệ thống thoát nước, lại có cao độ thấp nên thường xuyên ngập nước sau mỗi trận mưa hoặc triều cường.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Thủ Đức (chủ đầu tư dự án), từ bức xúc và kiến nghị của cử tri về tình trạng đường ngập nước, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước cho đường này.
Dự án đã được Sở Giao thông vận tải TP phê duyệt đầu tư từ tháng 10-2015.
Trong quá trình lập và trình duyệt dự án đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế tính toán đề xuất mặt đường rộng 11m, vỉa hè hai bên (mỗi bên 2,75m) kết hợp ngầm hóa cáp điện, trồng cây xanh, lắp đặt cống thoát nước từ 300 - 2.000mm.
Mặt đường mới sau khi cải tạo có cao trình 2,5m (cao hơn cao độ thiết kế mặt đường Kinh Dương Vương nửa mét - PV). Tổng vốn đầu dự án gần 379 tỉ đồng.
Theo khảo sát của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Thủ Đức, trong số 396 nhà dân hai bên đường bị ảnh hưởng nói trên có 270 nhà sẽ thấp hơn mặt đường mới hơn 1m và 126 nhà thấp hơn mặt đường mới chưa tới 1m.
Trong khi đó theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, khi mặt đường mới hoàn thiện thì cao hơn mặt đường hiện hữu 0,4 - 1,91m.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân trên tuyến đường này, chia sẻ: “Nâng đường để chống ngập là cần thiết, nhưng nâng quá cao vừa tốn kém tiền của Nhà nước vừa tốn tiền của dân, trong khi tuyến đường này chỉ là đường đi lại của người dân sống trong khu vực vì phần lớn xe lưu thông trên quốc lộ 13 mới”.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, người dân có nhà bị ảnh hưởng, cho biết người dân đã được mời tới phường họp một lần để nghe thông tin về dự án.
“Sau cuộc họp, tổ dân phố tới từng gia đình phát phiếu khảo sát về độ cao nâng đường mà người dân chấp nhận được. Tôi cũng như nhiều người dân khác chọn đường chỉ nên nâng cao 0,5m so với đường cũ để người dân sống hai bên đỡ phải đập nhà xây sửa lại” - bà Hạnh nói.
Đồng tình với ý kiến của bà Hạnh, ông Lại Văn Định, người dân ở đây, cho rằng nếu nâng đường lên gần 2m như thiết kế chắc dân phải đập nhà xây lại hết!
Vị trí đoạn quốc lộ 13 cũ sẽ được nâng mặt đường - Đồ họa: NHƯ KHANH |
Sẽ hạ cao độ mặt đường?
Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Thủ Đức, trước khi lập thiết kế bản vẽ thi công chi tiết và lập tổng dự toán, ban đã phối hợp với UBND P.Hiệp Bình Phước tổ chức lấy ý kiến người dân về cao độ mặt đường. Kết quả cho thấy còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc nâng cao mặt đường.
Vì vậy, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Thủ Đức sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về cao độ mặt đường một lần nữa. Sau đó sẽ tổng hợp ý kiến người dân và có văn bản trình Sở Giao thông vận tải TP xem xét, quyết định.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc phê duyệt cao độ các dự án chống ngập, Sở Giao thông vận tải TP cho biết căn cứ vào các quy hoạch như: quy hoạch 752 (quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020), quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP) và quy hoạch 24 (quy hoạch điều chỉnh xây dựng chung TP đến năm 2025).
Theo các quy hoạch này, cao độ xây dựng cho nhiều công trình hạ tầng (chứ không riêng các dự án nâng đường) tối thiểu là 2m, đối với một số nơi (ngoài khu vực bảo vệ quy hoạch 1547) cao độ quy định còn phải đạt 2,5 - 3m.
Theo ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, quyết định phê duyệt dự án xây dựng hệ thống thoát nước, nâng quốc lộ 13 nói trên là cơ sở pháp lý “khung” để chủ đầu tư triển khai các bước thực hiện dự án.
Còn trước khi đi vào thiết kế chi tiết dự án, Sở Giao thông vận tải TP luôn yêu cầu các chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến của người dân.
Việc lựa chọn cao độ thiết kế mặt đường hoàn thiện phải được xem xét, tính toán trên ba cơ sở: một là cốt nền xây dựng theo quy hoạch; hai là quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành để đảm bảo thoát nước và kết cấu hạ tầng giao thông; ba là sự đồng thuận của người dân.
“Vừa qua, chủ đầu tư dự án đã lấy ý kiến người dân nhưng chưa đạt. Sở đã yêu cầu đơn vị này tổ chức lấy ý kiến lại, để trên cơ sở đó sở sẽ phê duyệt mức cao độ mới. Sau khi nhận được ý kiến người dân mới xác định được cao độ sẽ thực hiện, giờ chưa nói trước được” - ông Tám cho biết.
Có ý kiến cho rằng một trong những căn cứ để chọn cao độ tối thiểu cho các dự án nâng đường là 2m dựa vào đỉnh triều cường (hiện đạt 1,68m).
Tuy nhiên, thời gian qua đã có hàng loạt dự án kiểm soát triều được triển khai như dự án kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bình Triệu - Bình Lợi - Rạch Lăng, Ruột Ngựa...
Đặc biệt là dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam vừa triển khai với số vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
Các dự án này có mục tiêu kiểm soát mực nước trong kênh rạch ở mức 1m. Như vậy có cần thiết thực hiện nâng đường ở mức tối thiểu 2m trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Sở Giao thông vận tải TP cho rằng vấn đề quy hoạch cốt nền xây dựng là vấn đề lớn, liên quan đến quy hoạch xây dựng chung của TP nên cần tiếp tục rà soát, đánh giá thật kỹ để có đề xuất, quyết định chính xác, đáp ứng mục tiêu phát triển của TP và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sắp tới trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP, Sở Giao thông vận tải TP sẽ đưa nội dung này vào nhiệm vụ nghiên cứu.
Trong quá trình chờ đợi văn bản pháp lý điều chỉnh cao độ nền thì các dự án xây dựng đường, hạ tầng sẽ được xem xét thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế.
Vẫn chưa hạ cao độ đường Kinh Dương Vương Liên quan đến dự án cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp nâng đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở liên quan báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP về hướng khắc phục đối với dự án này. Theo đó, cần nêu rõ những việc đã làm được, chưa được, lý do và các kiến nghị đề xuất. Đồng thời UBND TP yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP khẩn trương khảo sát lắp đặt máy bơm hỗ trợ công tác chống ngập cho tuyến đường này. Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP đã đề xuất đến UBND TP bốn phương án khắc phục cao độ đường Kinh Dương Vương. Trong đó có ba phương án sẽ hạ cao độ vỉa hè từ 10 - 60cm so với thiết kế, phương án còn lại vừa hạ cao độ mặt đường xuống 25cm và hạ cao độ vỉa hè từ 35-60cm. Tuy nhiên, đến nay TP chưa quyết định về việc này, trong khi dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã tạm ngưng nhiều tháng nay do người dân phản ứng việc nâng đường gây ngập nhà dân (Tuổi Trẻ đã phản ánh). Về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường trên toàn TP, các sở ngành liên quan cho biết Sở Xây dựng TP đã trình lên UBND TP, nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa được ban hành. * TS TÔ VĂN TRƯỜNG (chuyên gia về thủy lợi, chống ngập): Đi ngược lại thiết kế quy hoạch chống ngập Việc nâng cốt nền của các dự án chống ngập hiện nay về lâu dài đi ngược lại thiết kế của quy hoạch chống ngập (quyết định 1547) là trong phạm vi đê bao không bị ngập cho cốt nền từ 1m trở lên. Trong điều kiện quyết định 1547 chưa được thực hiện xong và khó khăn về vốn như hiện nay, giải pháp phù hợp, không mâu thuẫn với quy hoạch là dùng hệ thống bơm hỗ trợ để góp phần giảm ngập. Đừng nâng đường một cách vô lối như ở đường Kinh Dương Vương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận