Phóng to |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại lễ đón - Ảnh: TTXVN |
Thay mặt Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm đất nước Thái Lan và được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Thái Lan; đánh giá cao vị thế và vai trò của Thái Lan trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thái Lan.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Thái Lan của Tổng bí thư Đỗ Mười vào năm 1993.
Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; quan hệ kinh tế - thương mại phát triển nhanh chóng. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8,6 tỉ USD; tính đến ngày 20-2-2013, Thái Lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,12 tỉ USD, đứng thứ 10/99 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam với năm trụ cột chính, bao gồm: i) quan hệ chính trị, ii) hợp tác quốc phòng và an ninh, iii) hợp tác kinh tế, iv) hợp tác xã hội văn hóa, v) hợp tác khu vực và quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để thủ tướng hai nước có thể ký kết tại cuộc họp nội các chung tháng 10-2013 tại Thái Lan và hướng dẫn các cấp, các ngành của hai nước thực hiện.
Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai thỏa thuận hợp tác về lao động.
Theo đó, Thái Lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông theo trục hành lang Đông - Tây, trong đó có tuyến đường số 8 và số 12. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố sáu điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Indonesia Nhận lời mời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Indonesia từ ngày 27 đến 28-6. Dự kiến trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ chính thức ký kết nâng cấp quan hệ hai bên lên đối tác chiến lược, mở ra nhiều cơ hội hợp tác lớn hơn nữa vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi nước. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Indonesia, đối tác truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy các cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh; trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông và hợp tác trong ASEAN. |
Theo TTXVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận