Trẻ em giải nhiệt tại công viên Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Dương |
11g trưa trời nắng gắt, còn 30 phút nữa là xong giờ làm buổi sáng nhưng ông Trần Quang Vinh (52 tuổi), một thợ xây đang làm công trình trên đường Trần Não (Q.2), vẫn nghỉ mấy phút mới làm tiếp được.
Ngoài ông Vinh, trong đội thợ xây này còn có gần chục người khác. Ai nấy cũng đều đẫm ướt mồ hôi.
Mưu sinh dưới nắng gắt
Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, ông Vinh kể do gần đây trời nắng quá, ông chỉ làm việc được khoảng tiếng rưỡi, hai tiếng là vào bóng râm nghỉ khoảng 5-10 phút mới có sức làm tiếp.
“Vừa làm xây, vừa hàn khung sắt, lại làm trên cao nên càng thêm nóng. Ở đây sáng thường làm đến 11g30 nghỉ rồi 1g chiều làm tiếp. Đó là những giờ nóng, khó chịu nhất. Tui làm nghề này mấy chục năm rồi nhưng năm nay mới thấy nắng nóng như vậy”, ông Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Tô Văn Bình (45 tuổi, quê Thanh Hóa), một người bán hàng dạo ở Q.2, tâm sự để nuôi cả nhà ở ngoài quê nên dù nắng nóng vẫn phải phơi mình ngoài đường cả ngày. Ông bắt đầu công việc từ 5g30 sáng đến 6g chiều.
Buổi trưa nắng nóng gay gắt nhất nhưng lại là lúc bán được hàng nhất nên có nắng mấy ông cũng cố đi. Ông kể dù “cảm thấy đau nhức ở hai bên thái dương nhưng cũng không dám nghỉ. Người đi xe còn thấy nóng, thấy mệt, huống chi ông phải đi bộ”.
Cũng đồng cảnh mưu sinh ngoài đường phố, bà Tự (40 tuổi, quê Bình Định), thu mua ve chai, than thở: “Nắng nóng thế này sao chịu nổi. Trời thì nắng, bịt kín hết rồi mà hơi nóng phả vào, cảm giác rát hết cả da. Có hôm trưa nắng quá, tôi phải về nhà. Nhà trọ lợp mái tôn, buổi trưa cũng nóng hầm hập, nhưng còn tốt hơn vạ vật ngoài đường”.
Ngồi nghỉ chân tại một bóng cây trên đường Trường Sa, anh Nguyễn Văn Thanh (nhân viên giao thức ăn nhanh) kể: “Khách gọi, giữa trưa cũng phải đi. Chạy ngoài đường thời gian này rất kinh khủng, cảm giác nắng hoa cả mắt. Đường thì bụi, trời thì nắng, dù đeo khẩu trang hay mặc quần áo kín cũng không chịu nổi”.
Phụ nữ Sài Gòn đối phó với nắng nóng - Ảnh: Duyên Phan |
Chỉ số cực tím cao gây nhiều bệnh
Theo ThS Lê Thị Xuân Lan, Sài Gòn đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có nắng nóng xen lẫn mưa dông. Ở thời điểm nắng nóng vừa qua, chỉ số cực tím (UV Index) có trong bức xạ mặt trời đạt gần tới ngưỡng tuyệt đối.
Năm 1992, Canada đưa ra chỉ số UV và là nước đầu tiên trên thế giới đưa dự báo hằng ngày về tia UV lên phương tiện thông tin. Chỉ số UV được biểu thị từ 0-10, trong đó 10 là lượng UV cao nhất có thể đến được mặt đất. Chỉ số UV càng cao, tia UV đến được mặt đất càng nhiều và thời gian làm da bị cháy nắng càng ngắn.
Trong khi đó, để định lượng tia UV, hai tổ chức bảo vệ môi trường của Mỹ đã đưa ra cách tính toán được chia theo tỉ lệ từ 1 đến 11+.
Bà Xuân Lan cho biết riêng ở TP.HCM hiện nay chỉ số UV ở mức 10 so với thang dự báo Mỹ và khoảng gần 9 so với thang dự báo Canada. Thời gian xuất hiện tia UV cực đại trong ngày kéo dài từ 10g đến 14-15g.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, khuyến cáo bên cạnh lợi ích giúp sản xuất vitamin D cho cơ thể con người, tia cực tím có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.
Cụ thể, người đi dưới trời nắng có chỉ số cực tím cao có thể bị phỏng nắng (da sẽ đỏ, phồng rộp, gây cảm giác khó chịu), gây sạm da sau vài ngày, làm khởi phát và nặng hơn những bệnh liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa dạng ánh sáng...
Một người thường xuyên đi dưới trời nắng, có chỉ số cực tím cao, sẽ có nguy cơ lão hóa da, ung thư da, ức chế hệ miễn dịch, đục thủy tinh thể cho mắt.
Theo bác sĩ Hào, ở nước ngoài người dân rất quan tâm đến chỉ số tia cực tím. Trong mục dự báo thời tiết đều có thông báo về chỉ số cực tím để người dân biết, sắp xếp công việc trong ngày và có biện pháp bảo vệ.
Cách tốt nhất là tránh ra nắng trong khoảng thời gian chỉ số cực tím cao. Nếu ra ngoài trong khoảng thời gian này, cần đội nón rộng vành, mặc quần áo dài tay, đeo kính mát, tập thói quen sử dụng kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng, thoa kem chống nắng có phổ rộng, có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Bên cạnh đó, trẻ con là đối tượng nhạy cảm nên càng cần được bảo vệ tối đa. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết đến 60% tia cực tím đến trái đất từ 10g-14g trong ngày. Do vậy, nên tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm này.
Khi đưa trẻ ra ngoài đường, cần cho trẻ đội nón rộng vành, mang khẩu trang, mặc áo tay dài và không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Khi trẻ tiếp xúc với nắng nóng ở nhiệt độ cao, trong nhiều giờ có thể bị lả nhiệt hoặc sốc nhiệt.
Lả nhiệt (nhiệt độ tăng cao làm cho em bé mệt lả) là khi trẻ mệt mỏi, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, đau cơ, vọp bẻ, nhịp tim nhanh, nước tiểu ít, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng đến 38 độ.
Còn sốc nhiệt là nặng hơn, khi đó cơ thể trẻ sẽ lên đến 40 độ C, kèm theo những biểu hiện rối loạn về tri giác, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, co giật và tổn thương các cơ quan như gan, thận...
Lưu ý là 90% tia cực tím vẫn xuyên qua được đám mây. Đặc biệt trong mùa nắng nóng mà ra biển thì tác hại của tia cực tím còn nhiều hơn vì tia cực tím phản xạ từ mặt nước biển và bãi cát lên cơ thể con người.
Ngay cả khi đội nón rộng vành và đeo khẩu trang, mặc áo khoác vẫn không tránh được tia cực tím như nhiều người tưởng.
Nhiều nơi có mưa giải nhiệt Chiều 5-5, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM đã . Đây là cơn mưa chuyển mùa trên diện rộng đầu tiên trên địa bàn TP sau thời gian dài nắng nóng, giúp thời tiết dịu mát hơn. Mưa bắt đầu ở khu vực quận 7, sau đó lan sang quận 5, quận 10 và Thủ Đức... Tuy vậy những khu vực khác trời vẫn nắng nóng, một số nơi khác mưa chỉ ào qua 5 - 7 phút thì ngừng, nắng xuất hiện trở lại. Theo ông Vũ Quang Đẩu, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, Nam bộ đang trong giai đoạn chuyển mùa nên thời tiết sẽ có nắng nóng, xen kẽ là mưa dông. Thời gian qua không riêng gì TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác đã xuất hiện mưa nhưng mưa chỉ xảy ra cục bộ khoảng 1/3 diện tích. Mùa mưa ở Nam bộ chính thức từ khoảng nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6. * Quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa ngập nặng sau cơn mưa đầu mùa. Hai cơn mưa liên tiếp kèm theo lốc xoáy xảy ra chiều 5-5 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) khiến một số nơi trên địa bàn ngập sâu, giao thông ách tắc kéo dài và một số nhà dân bị tốc mái. Những điểm ngập nặng nhất là trên quốc lộ 1 đoạn đi qua các phường Tân Biên, Tân Hòa của TP Biên Hòa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận