Các doanh nghiệp trao đổi trước giờ khai mạc hội thảo xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển thị trường nông sản VN và Nhật Bản - Ảnh: Quang Định |
Đây cũng là chủ đề được hơn 100 doanh nghiệp bàn thảo sôi nổi tại buổi hội thảo xúc tiến, hợp tác đầu tư nông sản VN với công nghệ Nhật Bản, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức chiều 15-11 tại TP.HCM.
Quy định trồng trọt chưa đến được với nông dân
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt, Củ Chi, TP.HCM):
Cần hỗ trợ công nghệ bảo quản Thời gian qua HTX và nhiều đơn vị khác chỉ xuất khẩu rau quả bằng đường hàng không với giá cước cao, từ 20.000-30.000 đồng/kg, trong khi xuất bằng đường thủy thường chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng do đơn vị không có công nghệ bảo quản dài ngày nên việc chỉ xuất qua đường hàng không khiến khối lượng xuất ít, thị trường hạn chế và mất tính cạnh tranh về giá. Chúng tôi cần có sự hỗ trợ về điều này vì để có được công nghệ bảo quản, chúng tôi mất rất nhiều thời gian và không có đủ kinh phí để nghiên cứu. |
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu II, Bộ NN&PTNT, Nhật là một thị trường khó tính, do vậy để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nước này, trong canh tác VN phải áp dụng quy trình VietGAP, sử dụng đúng bộ thuốc, đóng gói đúng quy chuẩn và trước khi xuất sang thị trường khó tính phải áp dụng chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng.
“Hợp tác với Nhật không chỉ hạn chế những vướng mắc khi xuất khẩu trái cây sang thị trường này mà VN còn cần công nghệ, giải pháp của Nhật để sản phẩm của VN có thể cạnh tranh được với hàng các nước khác trên những sân chơi quốc tế khác như Mỹ” - ông Đạt nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, mất nhiều năm chúng ta mới mở cửa được một loại quả vào thị trường mới, cho thấy VN gặp khó khăn như thế nào trong tăng sản lượng xuất khẩu trái cây.
Trong các năm 2008-2009, thanh long VN bắt đầu đi Mỹ, Nhật nhưng đến nay bình quân mỗi năm chỉ xuất 1.200-1.400 tấn, trái chôm chôm khả quan nhất cũng mỗi ngày có một container xuất đi Mỹ.
Tín hiệu tích cực là trong tháng 9 VN mở thêm được hai loại quả là nhãn và vải bằng giải pháp chiếu xạ để đi Mỹ, trong năm tới sẽ có thêm xoài và thanh long ruột đỏ vào thị trường này.
Được xem như là điển hình hợp tác nông nghiệp giữa VN và Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty An Phú APP - chia sẻ kinh nghiệm: “Làm việc với người Nhật cần phải tận tụy. Mất gần năm tháng trời, sau khi đem các mẫu đất ở Đà Lạt về Nhật xét nghiệm, chúng tôi mới bắt tay vào làm với mục tiêu tạo ra những làng thần kỳ bằng giống rau Nhật trồng tại Đà Lạt”.
Ông Takaya Hanaoka - giám đốc Công ty liên doanh An Phú Lace, đối tác Nhật Bản của An Phú APP - cho biết điểm khác biệt nhất trong trồng rau ở Nhật và VN là nông dân trồng rau VN không trả lời được họ sử dụng phân bón hóa học như thế nào và liều lượng thuốc bảo vệ thực vật ra sao, cần theo quy định nào.
“Tôi biết VN cũng có những quy định trong trồng trọt nhưng chưa lan đến nông dân” - ông Takaya Hanaoka nói.
Cần “tái cơ cấu nhận thức”
Làm tham tán thương mại đã lâu, ông Nguyễn Trung Dũng - tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Nhật - chia sẻ: xúc tiến thương mại Nhật - Việt thời gian gần đây có nhiều thay đổi.
Trước đây, nhà đầu tư Nhật qua VN chỉ xúc tiến ở những thành phố lớn, bỏ quên những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Gần đây, nhiều đoàn của các tỉnh đến từ Nhật đã đến TP.HCM đặt vấn đề hợp tác nông nghiệp. Họ cũng đến những tỉnh ở khu vực ĐBSCL tìm hiểu sản phẩm vùng. Vấn đề của VN hiện nay là cố gắng giữ chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ông Dũng cũng cho biết thách thức của VN khi xuất khẩu vào Nhật còn nhiều, sản phẩm VN chỉ mới xuất thô, thời gian tới cần nghiên cứu để có thể tiến tới chế biến các loại rau quả.
Theo ông Bumori KeiAkira - bộ phận kinh doanh quốc tế của Japan Logistics Systems Corp, hiện nay so với Thái Lan, VN vẫn còn thiếu rất nhiều kho đông lạnh dành cho sản phẩm chế biến nông sản.
“Trong năm 2015, chúng tôi sẽ triển khai quỹ Cool Japan với số vốn lên 8 triệu USD, thiết lập công ty liên doanh đặt trụ sở tại TP.HCM để vận hành chuỗi kho lạnh, đặt nền tảng cho dự án đầu tư tại VN” - ông Bumori KeiAkira cho biết.
Ông Đoàn Xuân Hòa, cục phó Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối, cho rằng sự hợp tác này muốn thành công còn có sự cầu thị của chính doanh nghiệp VN. “Chúng ta cần phải “tái cơ cấu nhận thức”, chuyển cách làm việc từ cái chúng ta có sang cái thị trường cần, chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu sản phẩm” - ông Hòa nhấn mạnh.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cũng cho biết dòng chảy nông sản nói trên là một phần đáng kể trong tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại, đầu tư hai nước thời gian qua.
“TP.HCM đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật mong muốn làm ăn lâu dài tại TP.HCM” - ông Liêm nói.
Theo ông Yamaguchi Yasushi - Bộ Nông lâm nghiệp và thủy sản Nhật, với hàng nông lâm thủy sản, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng.
“Đơn giản nhất như chuyện vận tải cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa rất nhiều. Do vậy trong hợp tác hai nước, công nghệ sẽ phải đưa vào đầy đủ và phía Nhật luôn sẵn lòng” - ông Yamaguchi Yasushi nói.
Ông Từ Minh Thiện (phó ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM):
Thiếu trung tâm giới thiệu công nghệ Điều cần thiết để việc áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao hiện nay là cần thành lập trung tâm giới thiệu và tư vấn về công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Sự tư vấn khách quan và uy tín của trung tâm giúp các doanh nghiệp có những thông số đầy đủ về sản phẩm công nghệ để áp dụng hợp lý. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu và cải tiến công nghệ với giá thành rẻ hơn nhập khẩu là điều cần khuyến khích, nhưng nhiều thị trường khó tính thường yêu cầu việc sử dụng công nghệ phải phù hợp với sản phẩm, nên để áp dụng các công nghệ tự cải tiến và sáng chế cần phải nghiên cứu về nhu cầu thị trường và yêu cầu khách hàng trước khi áp dụng công nghệ. DŨNG TUẤN - NGUYỄN TRÍ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận