Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân khiến tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng diễn ra khắc nghiệt ở nhiều quốc gia - Ảnh: THE GUARDIAN
Một loạt nghiên cứu về các hiện tượng nắng nóng cực đoan gần đây ở Ấn Độ, Pakistan, Bắc Mỹ, vùng Siberia và khu vực Tây Âu đều nhấn mạnh hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người chính là tác nhân quan trọng khiến các nước trên thế giới đang trải qua một mùa hè đỏ lửa.
"Biến đổi khí hậu là một nhân tố thực sự thay đổi cuộc chơi hiện nay. Tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng trên khắp thế giới đã tăng lên đáng kể", báo The Guardian dẫn lời bà Friederike Otto, giảng viên về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London (Anh), nhận định hôm 19-6.
Bà cho biết tần suất của các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng đến 100 lần trong năm nay do lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển ngày càng cao.
Theo báo The Guardian, các nhà khoa học đã chứng minh rằng nhiệt độ kỷ lục này không phải là điều tự nhiên xảy ra. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ hơn 9 quốc gia công bố vào tháng trước trên trang web của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy đợt nắng nóng ở Nam Á có khả năng xảy ra cao gấp 30 lần do các hành động của con người tác động lên bầu khí quyển.
"Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng ngày càng gay gắt hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do tình trạng biến đổi khí hậu", tiến sĩ Vikki Thompson, nghiên cứu viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Bristol (Anh), cảnh báo.
Theo WMO, mặc dù chỉ là giữa tháng 6, nhưng nhiệt độ hiện tại ở một số quốc gia trên thế giới đã cao hơn so với mức nhiệt từng được chứng kiến vào tháng 7 hoặc tháng 8.
Biểu đồ thể hiện sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu từ năm 1980 đến năm 2020. Vào tháng 5, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã tăng hơn 0,26°C so với giai đoạn trước đó - Ảnh: THE GUARDIAN
Ở một số vùng của Tây Ban Nha và Pháp, nhiệt độ vào trung tuần tháng 6 đã cao hơn 10°C so với mức trung bình của thời điểm này trong năm. Báo The Guardian cho biết hôm 19-6, hơn 100 triệu người Mỹ đã được khuyến cáo ở nhà trong tuần qua do nhiệt độ tăng cao kỷ lục khiến hàng ngàn con gia súc chết hàng loạt.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Ấn Độ và Pakistan đã ghi nhận đợt nắng nóng diện rộng khắp cả nước. Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết nhiều trạm quan sát đã báo cáo nhiệt độ quanh ngưỡng từ 45°C đến 50°C.
Trong khi đó, nhà khí hậu học người Pháp Françoise Vimeux cho biết: "Nhiệt độ trên toàn nước Pháp đã tăng lên 2°C kể từ đầu thế kỷ 20, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 1,1°C".
Cơ quan Khí tượng Pháp (Météo-France) hôm 18-6 dự báo nước Pháp sẽ chứng kiến trung bình từ 20 - 35 ngày nắng nóng kéo dài mỗi năm vào cuối thế kỷ 21, so với 3 - 4 ngày vào cuối thế kỷ 20.
Ở Ấn Độ, người dân tại thủ đô New Delhi sẽ cảm thấy vô cùng "khó chịu" trong những năm tới. Ông Abinash Mohanty, chuyên gia tại Hội đồng Năng lượng, môi trường và nước Ấn Độ, cho biết: “Sức khỏe và năng suất của người dân Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng do họ không thể ngủ vào ban đêm bởi nắng nóng kéo dài".
Còn tại Mỹ, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ công bố hôm 19-6, tần suất, thời gian và cường độ của các đợt nắng nóng đã tăng liên tục trong 50 năm qua.
"Nếu việc phát thải khí nhà kính vẫn còn tiếp tục như hiện nay, chúng ta sẽ không có biện pháp nào để ngăn chặn thảm họa kế tiếp xảy đến. Chúng ta không thể thích nghi theo cách của mình để thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu" - giáo sư Katharine Hayhoe, nhà khoa học của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận