TTCT - Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong quá trình chuyển đổi dần sang năng lượng tái tạo, nhưng không phải sự thay đổi cấp tập lúc nào cũng đi kèm với hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng từ Mặt trời, gió, địa nhiệt và các sản phẩm sinh khối (các phụ phẩm có nguồn gốc từ thực vật như vỏ cây, bắp ngô, rơm trấu…) được gọi là năng lượng tái tạo - tức được sinh ra lại liên tục mà không mất đi - hiển nhiên là lợi hơn rất nhiều so với sử dụng than đá, dầu mỏ, khí đốt - mà chúng ta thường gọi là nguyên liệu hóa thạch.Với năng lượng tái tạo, chúng ta không phải khai thác từ lòng đất, không lo chất thải của nó gây ra tình trạng ô nhiễm và nóng lên toàn cầu như năng lượng hóa thạch đã gây ra hàng trăm năm nay và hậu quả là thế giới đang đi đến lằn ranh đỏ - như các cảnh báo của các nhà khoa học khí hậu và tổ chức bảo vệ môi trường. Ảnh: business-humanrights.orgCam kết và mục tiêu tất yếuThay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo dường như là xu hướng tất yếu của toàn cầu, và của cả Việt Nam, khi mà hình ảnh cánh đồng pin điện mặt trời rộng mênh mông và những cánh quạt gió khổng lổ đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam vài năm trở lại đây. Về góc độ vĩ mô, Nhà nước Việt Nam cũng đã mạnh mẽ cam kết mục tiêu mức xả ròng carbon bằng không đến năm 2050 tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu năm 2021 - COP 26. Một mục tiêu mà để thực thi nó, Việt Nam cần một nguồn lực khổng lồ, đi đôi với đấy là tham vọng tạo ra động lực tăng trưởng xanh cho tương lai.Trong vòng 5 năm từ 2017 đến 2021, tỉ trọng điện năng lượng tái tạo Việt Nam tăng từ hầu như không có gì lên xấp xỉ 10%. Ở đây, chúng ta loại bỏ thủy điện khỏi danh mục năng lượng tái tạo cần phát triển vì bản thân thủy điện gây ra rất nhiều tranh cãi về mặt trái và thực tế tình hình thiên tai lũ lụt mấy năm nay đã chứng minh những cái mất do thủy điện đem lại lớn hơn nhiều so với số liệu trong các đánh giá tác động môi trường khi nhà đầu tư bắt đầu dự án. Ngay trong các quy hoạch điện năng của quốc gia, việc phát triển mới các dự án thủy điện vừa vả nhỏ hầu như không còn được đề cập. Tốc độ phát triển điện mặt trời, nhờ có sự tham gia của tư nhân, đã nhanh đến nỗi mục tiêu đến năm 2025 (8.000 MW được bao tiêu giá ưu đãi) đã được hoàn thành ngay từ năm 2021! Điều gì là nguyên nhân chính cho sự phát triển vượt tiến độ thần kỳ này?Yếu tố quan trọng nhất quyết định con số ngoạn mục nói trên là đơn giá mua của Tổng công ty Điện lực - khách hàng duy nhất của các nguồn cung cấp năng lượng. Giá điện chạy từ than, tức nhiệt điện - nguồn nhiên liệu chủ yếu và rẻ tiền nhất hiện nay - đang là khoảng 5,4 cent/KW. Trong khi đó, giá điện mặt trời là 7,1 cent, còn điện gió là 7,1 cent - cao hơn xấp xỉ 30% so với giá nhiệt điện. Chênh lệch này được gọi là chi phí xanh, tức chi phí xã hội sẽ phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm nếu sử dụng nguyên liệu hóa thạch.Chênh lệch trên 30% giá đầu vào là một con số không ai có thể chấp nhận trong cơ chế thị trường, trừ phi nó phải đem lại một khoản lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai. Kỳ vọng đấy là khi sản lượng đủ lớn thì giá có thể giảm. Ở đây chúng ta chưa có được tính toán ở mức sản lượng nào thì chi phí cho 1KW điện mặt trời hay điện gió sẽ có thể cạnh tranh với nhiệt điện.Tuy nhiên, một yếu tố bất lợi là vật tư thiết bị chính của điện gió, turbine và điện mặt trời, pin và bộ chuyển đổi điện (inverter), là những thứ chúng ta phải nhập khẩu hầu hết (phần lớn là từ Trung Quốc). Nên để chi phí đầu vào của điện năng lượng tái tạo giảm sâu 30 - 40%, tức mức cạnh tranh được với nhiệt điện, cần phải có nhiều thời gian và nỗ lực giảm giá của doanh nghiệp đầu tư ở các công đoạn xây dựng cơ bản, lắp đặt, vận hành…Lợi ích khó định lượngTrong khi chờ đợi điều đấy xảy ra, tất cả các chi phí vượt trội đấy Nhà nước phải gánh vác. Mà lợi ích Nhà nước thu được với tư cách chủ đầu tư cho một dự án lại là một giá trị khó định lượng: chi phí xanh. Khó định lượng không chỉ là khó lượng hóa thành số tiền cụ thể, khó được xã hội ghi nhận, mà còn bởi nó là vấn đề… toàn cầu. Với ô nhiễm môi trường, dù Việt Nam có làm tốt bao nhiêu mà rừng ở Indonesia hay Campuchia vẫn cháy thì Sài Gòn vẫn bụi mù mịt dù không có nhà máy nhiệt điện nào ở Đông Nam Bộ hoạt động hay xe hơi trên đường đều đã là xe điện.Nói cách khác, đầu tư vào năng lượng tái tạo là khoản đầu tư không có lời hoặc không thể nhìn thấy khoản lời rõ ràng - cho một động lực tăng trưởng mới - mà lợi nhuận và khả năng tăng trưởng là khó xác định được lộ trình và không đo đếm được, nên ngoại trừ Nhà nước thì ít có những công ty tư nhân có đủ tầm lẫn tâm để theo đuổi. Bao giờ kinh doanh năng lượng tái tạo có thể đem lại lợi nhuận khi không còn được chính phủ trợ giá? Đấy phải là một cuộc chiến tự thân của các doanh nghiệp và sẽ có ít kẻ thắng, nhiều người thua.Một mặt trái của năng lượng tái tạo mà truyền thông đại chúng ít phản ánh là “sạch mà không sạch”. Phá vỡ sinh kế, thay đổi dòng chảy và tàn phá môi trường rừng là tác hại nhãn tiền của thủy điện, điều đã và đang xảy ra mà ai cũng biết. Với điện mặt trời và điện gió, các thiết bị của nó ngốn một lượng khổng lồ bạc, đồng và chì. Một số liệu có thể gây choáng váng: Để có đủ lượng lithium - nguyên liệu chính làm pin lưu trữ năng lượng mặt trời - cần thiết nhằm sản xuất ra lượng điện thay thế được 50% sản lượng nhiệt điện thì công suất khai thác kim loại này phải tăng đến 2.700%.Thêm vào đấy là việc xử lý rác công nghiệp. Silic trong pin mặt trời là thành phần có thể tái chế được, nhưng chi phí tái chế hiện vẫn cao hơn chi phí mua mới, nên người ta sẽ ưu tiên phương án chôn các tấm pin thay vì đem đi tái chế sau vòng đời sử dụng tầm 25 - 30 năm. Với các quốc gia không dư dả tiền của như Việt Nam, rác từ năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ là vấn đề trong tương lai. Câu chuyện tương tự có thể xảy ra với động cơ của sản phẩm đang khá hot ở Việt Nam hiện nay: ăcquy cho xe điện.Sử dụng năng lượng sạch hơn là bước tiến mà có lẽ mọi quốc gia rồi sẽ phải chấp nhận trong quá trình phát triển. Chúng ta thật sự không còn ở giai đoạn cân nhắc giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo nữa. Bill Gates, người đã rời đế chế Microsoft để tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo, nói trong cuốn Thảm họa khí hậu: “Quá trình chuyển đổi năng lượng phụ thuộc vào chính sách của chính phủ, khả năng đột phá công nghệ và năng lực nhạy bén của khối tư nhân”.Ở Việt nam, thực trạng ngành năng lượng tái tạo lại đối nghịch với các loại dự án đầu tư khác: thực tế thi công và đưa vào vận hành đi trước rất xa mọi dự báo và mục tiêu của chính phủ. Điều đấy lại tạo ra một nghịch lý là rất nhiều nguồn lực được huy động cấp tập nhờ chính sách, rồi bị lãng phí cũng bởi chính sách!Càng phát triển điện tái tạo thì Nhà nước càng tốn thêm chi phí đầu vào, trong khi giá bán điện là đồng đều, bất kể giá đầu vào như thế nào. Mức giá này đã tạo động lực khủng khiếp để cho đến nay công suất có thể sử dụng của điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam lên đến 19.000 MW, tức là gấp hơn 3 lần mục tiêu của năm 2025 theo quy hoạch điện VII năm 2016 (2.000 MW điện gió, 4.000 MW điện mặt trời). Số điện dư ra so với công suất mục tiêu đang có số phận không ai muốn: không bán được vì không có khung giá mới. Tình trạng sống dở chết dở của các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận là ví dụ: không thể bán với bất cứ giá nào với các dự án có thể phát điện sau ngày 31-12-2020. Tags: Môi trườngNăng lượng tái tạoNăng lượng mặt trờiNăng lượng xanh
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).