Bằng tốt nghiệp đại học do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cấp năm 2001 không có xếp loại thứ hạng - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo lần 1 lấy ý kiến thông tư về ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự) đã thu hút quan tâm của dư luận.
Chủ trương bỏ xếp loại thứ hạng bằng tốt nghiệp có từ lâu
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2000-2001, ĐH Quốc gia TP.HCM có chủ trương bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình) trên bằng tốt nghiệp đại học cấp cho sinh viên các trường thành viên. Chủ trương này thực hiện theo thông lệ quốc tế.
Những năm đầu khi hai đại học quốc gia thành lập và có nghị định riêng thì một số việc được quyền tự chủ riêng. Do vậy, thời điểm đó ĐH Quốc gia TP.HCM có quy định riêng về văn bằng, chứng chỉ dành cho các trường thành viên trong hệ thống. Phôi bằng tốt nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM thời điểm đó cũng hoàn toàn khác so với phôi của các trường còn lại (sử dụng phôi bằng chung của Bộ GD-ĐT).
Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT ra thông tư về ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ) thống nhất thực hiện trên cả nước, trong đó có yêu cầu xếp loại thứ hạng. Do vậy, những năm sau này ĐH Quốc gia TP.HCM phải thực hiện theo quy định này.
"Dù bằng tốt nghiệp không xếp loại thứ hạng nhưng sinh viên được cấp kèm bảng điểm của toàn khóa học, trong đó có ghi rõ điểm ở các môn khác nhau. Như vậy doanh nghiệp muốn xem xét kỹ thì xem kỹ bảng điểm có thể nắm bắt rõ hơn năng lực học tập của sinh viên và cũng biết được sinh viên tốt nghiệp được xếp loại thứ hạng nào", ông Quân nói.
Xếp loại thứ hạng trên bằng cấp không quan trọng!
Theo nhiều chuyên gia cũng như đại diện các doanh nghiệp, việc xếp loại thứ hạng trên bằng tốt nghiệp hiện không còn quá quan trọng. "Thực tế hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng chủ yếu coi trọng năng lực làm việc, kỹ năng của người lao động, bằng cấp thực tế chỉ là điều kiện cần trong tuyển dụng mà thôi", PGS.TS Vũ Hải Quân cho hay.
TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cũng cho rằng: "Thật ra tấm bằng đại học chỉ là một trong những giấy thông hành để các bạn vào đời. Các bạn có thể chọn bậc học phù hợp với năng lực của mình và quan trọng hơn phải trang bị được nhiều kỹ năng, biết áp dụng kiến thức đã học vào công việc. Nhà tuyển dụng không chỉ coi tấm bằng của bạn là đủ mà họ cần năng lực làm việc thực sự của ứng viên".
Bà Ngô Phương Thảo - CEO Anbooks - cho biết trong tuyển dụng các doanh nghiệp thường đưa ra yêu cầu về bằng cấp đối với ứng viên để tuyển chọn được người vào làm việc ở vị trí thích hợp, cần người làm đúng chuyên môn….
"Doanh nghiệp có quan tâm đến thái độ học tập của ứng viên, văn bằng có xếp loại cũng thể hiện phần nào thái độ học tập. Tuy nhiên, thực tế không ít doanh nghiệp không xem xét nhiều đến ứng viên có bằng tốt nghiệp xếp loại thứ hạng nào. Chúng tôi chủ yếu đánh giá ứng viên qua quá trình phỏng vấn để biết năng lực thực sự của họ có đáp ứng tốt vị trí cần tuyển hay không mà thôi. Bằng cấp hay cả CV cũng không quan trọng lắm đâu", bà Thảo nói.
Trong khi một số nhà tuyển dụng khác cho rằng nếu xem xét yếu tố bằng cấp, doanh nghiệp có quan tâm tới tấm bằng của trường nào, sinh viên tốt nghiệp từ các trường có thương hiệu tốt có ưu thế hơn.
TS.BS Võ Văn Nhân, giám đốc Công ty TNHH nha khoa Nhân Tâm (TP.HCM), cũng cho rằng xếp loại trên bằng tốt nghiệp cũng phần nào phản ánh được quá trình và khả năng học tập của mỗi cá nhân, được xem như là yếu tố tham khảo khi so sánh lựa chọn giữa các ứng cử viên có cơ hội ngang bằng nhau. Vì ở thời điểm này chưa thấy rõ năng lực làm việc thực sự tế. Bên cạnh việc áp dụng quy trình tuyển chọn gồm nhiều bước xét hồ sơ, phỏng vấn, thử việc...
"Theo tôi, vấn đề sinh viên ra trường làm việc tốt mới là điều cần, còn bằng giỏi mà năng lực làm việc kém cũng thua. Vì thực tế cho thấy giữa lý thuyết và thực hành là hai chuyện khác nhau. Chúng tôi cần người làm việc giỏi chứ không cần người có bằng cấp xếp loại đẹp", BS Nhân nhấn mạnh.
Nhà tuyển dụng chủ yếu coi trọng năng lực làm việc của ứng viên
Hiện có khá nhiều sinh viên phản ứng, không ủng hộ với dự thảo trên của Bộ GD-ĐT cho rằng xếp loại thứ hạng bằng tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá hay trung bình dù áp lực nhưng cũng là động lực, mục tiêu phấn đấu. Còn doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng nhìn vào đó đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.
Trong khi nhiều cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trước đây nhận bằng tốt đại học không có xếp loại thứ hạng thời điểm đó nhiều sinh viên học giỏi bức xúc vì người học trung bình cũng nhận bằng cũng giống mình.
Nhưng sau gần 20 năm ra trường họ thấy chuyện đó không còn quan trọng vì thực tế hiện nay các đơn vị tuyển dụng cũng chủ yếu coi trọng năng lực làm việc, kỹ năng của người lao động, bằng cấp thực tế chỉ là điều kiện cần trong tuyển dụng mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận