Báo cáo khẳng định năng lực khoa học, công nghệ ở Việt Nam còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo còn non trẻ, manh mún. Điều này không có lợi cho phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế nói riêng.
Các chuyên gia cho rằng sau gần 20 năm đạt tăng trưởng cao trên 7%, mức tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt xuống mốc 5% và nguy hiểm là các nguồn giúp tăng trưởng trước đây bị suy giảm mạnh, làm đất nước tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
“Để tăng cường cạnh tranh và phát triển, Việt Nam phải đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc đầu tư sớm cho năng lực phát triển công nghệ hiện đại”- bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh.
OECD và Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam có quá nhiều nghịch lý so với thế giới.
Theo đó, mức đầu tư cho nghiên cứu ở Việt Nam quá thấp, chỉ chiếm 0,2% GDP. Chưa kể trong khi ở nhiều nước khối doanh nghiệp tư nhân dốc sức rất nhiều cho đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ, chiếm ưu thế trong tỉ trọng đầu tư cho phát triển (có thể đạt trên 80%), thì ngược lại ở Việt Nam đầu tư cho phát triển từ nguồn vốn Chính phủ chiếm đến 90%, chỉ còn lại khoảng 10% từ khối doanh nghiệp tư nhân.
Điều đáng nói là qua nghiên cứu, Ngân hàng Thế giới đánh giá hiện đang có sự chồng chéo, trùng lắp ở các cơ quan nghiên cứu nhà nước mà phần đông không đạt quy mô tối ưu và thiếu nguồn nhân lực.
Ngân hàng Thế giới khuyến cáo để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh thông qua giảm thủ tục hành chính cũng như các chi phí không hợp lý và không minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận