06/01/2021 10:16 GMT+7

Năng lực cạnh tranh từ sự quyết tâm

TS LÊ ĐĂNG DOANH
TS LÊ ĐĂNG DOANH

TTO - Muốn có năng lực cạnh tranh đó phải bắt đầu từ con người, từ sự dám làm, làm quyết liệt và quyết tâm đổi mới và phát triển.

Những ngày đầu năm mới 2021, người dân nức lòng về những quyết định của Thủ tướng Chính phủ khởi công đầu tư sân bay Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rào ở Hải Phòng..., giải quyết những nút thắt "cổ chai" về kết cấu hạ tầng để kinh tế tăng trưởng.

Đây là tín hiệu đáng mừng vì dự án sân bay Long Thành đã được bàn thảo từ 20 năm nay, bản thân Thủ tướng thời gian qua đã nhiều lần đi đến tận nơi và nhiều lần đốc thúc, tháo gỡ các vướng mắc và nay Thủ tướng đã đích thân về Long Thành khởi công công trình.

Hi vọng đây là tấm gương tốt để lãnh đạo các bộ, ngành, các cấp noi theo, lãnh nhận trách nhiệm cá nhân trong những quyết định khó khăn về đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc và tìm cách để các dự án đẩy đúng tiến độ, nhanh hơn để phát triển, tránh tình trạng rất nhiều dự án bị "treo" thời gian dài do thiếu sự quyết tâm của lãnh đạo.

Việc hoàn tất đúng tiến độ các dự án lớn chính là một trong những yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chúng ta đang sống trong nền kinh tế số hóa, chạy đua về tốc độ, con cá nhanh sẽ cướp phần ăn của con cá chậm, trâu chậm uống nước đục. Quyết định của lãnh đạo do các cấp tham mưu chuẩn bị, những quyết định về đầu tư là những quyết định phức tạp, khó khăn vì liên quan đến số vốn lớn, giải phóng mặt bằng, tác động môi trường và chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội.

Vì vậy, mỗi cấp tham mưu cũng cần xác định rõ người đứng đầu chịu trách nhiệm cá nhân về phương án đề xuất, tránh hiện tượng lẩn tránh trách nhiệm.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực nhất (tăng 10 bậc) xếp thứ 69 trong 141 nền kinh tế được đánh giá về năng lực cạnh tranh năm 2019. Đây là một sự ghi nhận quốc tế tích cực đối với Việt Nam, phản ánh hiệu quả và tính năng động trong điều hành của Chính phủ.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu đánh giá và xếp hạng thông qua 103 chỉ số chi tiết thuộc 12 nhóm (trụ cột) vấn đề, gồm: thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường, mức độ phức hợp trong kinh doanh và năng lực đổi mới, sáng tạo.

Năng lực cạnh tranh của nước ta phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của thể chế nhà nước, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, trong đó thể chế có vai trò quyết định.

Về thể chế, Việt Nam được tăng 5 bậc từ xếp thứ 94 năm 2018 lên vị trí 89 năm 2019. Thể chế là nhân tố mấu chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mặc dù có cải thiện nhưng vị trí 89 là quá thấp, cần và có thể được nâng hạng mạnh mẽ hơn nữa.

Chính phủ đã có nghị quyết 02 ngày 1-1-2020 đặt mục tiêu nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của WEF lên 5 bậc. Chính phủ cũng quyết định cắt giảm hàng ngàn giấy phép con để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

Ngày 3-6-2020, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với ba trụ cột chính gồm: xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển, thực hiện trong thời gian tới.

Chuyển đổi sang kinh tế số, áp dụng chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, thu thuế qua mạng... sẽ xây dựng xã hội số hóa, công khai minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của nước ta.

Muốn có năng lực cạnh tranh đó phải bắt đầu từ con người, từ sự dám làm, làm quyết liệt và quyết tâm đổi mới và phát triển.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên