02/06/2007 05:47 GMT+7

Nặng lòng với đồng bằng

 NHƯ HẰNG
 NHƯ HẰNG

TT - Nói đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mọi người thường hình dung một vùng đất hào sảng trù phú ngày đêm tấp nập tàu thuyền xuôi ngược chở đầy sản vật đi khắp nơi. Và chúng ta đều cảm thấy nặng lòng với vùng đất này, vì chén cơm dẻo, con cá tươi, đĩa trái cây ngon ngọt... đều được làm ra từ những giọt mồ hôi của người nông dân châu thổ.

RprfhoyP.jpgPhóng to
Thi công cải tạo và nâng cấp quốc lộ 80. ĐBSCL cần thêm nhiều công trình như thế này! - Ảnh: Minh Đức
TT - Nói đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mọi người thường hình dung một vùng đất hào sảng trù phú ngày đêm tấp nập tàu thuyền xuôi ngược chở đầy sản vật đi khắp nơi. Và chúng ta đều cảm thấy nặng lòng với vùng đất này, vì chén cơm dẻo, con cá tươi, đĩa trái cây ngon ngọt... đều được làm ra từ những giọt mồ hôi của người nông dân châu thổ.

Một vùng đất hằng năm đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo ra hơn 51% giá trị xuất khẩu thủy sản... lại đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa của sự nghèo khó và kém phát triển.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói ông băn khoăn và nhức nhối khi nghĩ về miền Tây, nơi đang phải chịu làn sóng di dân ngày càng gia tăng, trong đó có cả những cô gái trẻ bỏ quê đi lấy chồng ngoại chỉ vì khao khát thoát khỏi kiếp nghèo.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng lại đặt câu hỏi có phải con người miền Tây không biết ước mơ, không có hoài bão, hay chính quyền địa phương không quan tâm đến những kế hoạch đột phá cho sự phát triển? Vì lẽ gì mà thị trường chứng khoán mỗi ngày giao dịch cả ngàn tỉ đồng, Chính phủ mỗi năm có thể huy động cả tỉ USD trái phiếu quốc tế... mà miền Tây hơn 30 năm nay chỉ có một con đường độc đạo từ TP.HCM đi Cà Mau?

Những người con của ĐBSCL tham gia trong Diễn đàn kinh tế ĐBSCL 2007 chợt giật mình, chẳng lẽ họ chỉ đang ở điểm xuất phát của một quá trình phát triển, bởi khi giao thông chưa thể kết nối thì mọi kế hoạch phát triển hay tăng tốc đều là chuyện xa vời.

Có vị chủ tịch tỉnh nọ tiết lộ những dự án giao thông trọng điểm mà trung ương đang triển khai tại tỉnh của ông đều được dự kiến đến năm... 2015 hay 2020 mới hoàn tất. “Đến lúc đó thì tỉnh tôi cũng hết đường để đi rồi” - ông ngao ngán bày tỏ.

Nhưng điều ông lo hơn là thân phận người nông dân đồng bằng ra sao đây khi đất đai ngày càng thu hẹp, họ không có khả năng tổ chức sản xuất tập trung, không có đủ tiền cho con em học hành... Mà khi nhiều trẻ em không có cơ hội cắp sách đến trường, bao nhiêu năm nữa ĐBSCL mới có thể cung cấp được nguồn nhân lực tốt và chất lượng để thu hút các nhà đầu tư đến?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng nói điều quan trọng nhất là Chính phủ phải hiểu được những khó khăn mà người dân đang loay hoay chống đỡ, từ đó thống nhất quan điểm đánh giá về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chiến lược đầu tư phát triển ĐBSCL.

Chính phủ cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh ĐBSCL bằng nguồn vốn ODA hay trái phiếu do Chính phủ phát hành. Một quĩ đầu tư đặc biệt với qui mô thỏa đáng trong 2-3 kỳ kế hoạch (10-15 năm) để nâng cấp và hiện đại hóa ĐBSCL bằng các chương trình cụ thể, hiệu quả, làm cho đồng bằng xứng đáng là trọng điểm an ninh lương thực - thực phẩm của cả nước và là “đầu tàu nông nghiệp” của ASEAN là điều mong đợi của nhiều người.

 NHƯ HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên