Đó là chia sẻ của đại tá Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam - tại Hội nghị chuyên đề (ngày 17-5) về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội khóa XV.
Các dự án luật gồm Luật Căn cước, Luật Công an nhân dân, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự án luật còn lại là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại sao cần nâng thời hạn visa điện tử?
Đại tá Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh việc sửa đổi chính sách visa điện tử nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là khách du lịch.
Do vậy, dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi đề xuất nâng thời hạn của visa điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Đồng thời, Chính phủ được giao quyết định danh sách cụ thể trên cơ sở có đi có lại, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
"Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", đại tá Hà chia sẻ.
Cũng theo đại tá Hà, dự báo thời gian tới, lượng người nhập cảnh bằng visa điện tử tăng cao. Do vậy, ông bày tỏ công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải tăng cường hơn nữa. Từ đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập, xuất cảnh của Việt Nam.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có điểm mới gì?
Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại tá Lê Văn Tuấn - phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam - rút ra một vài điểm chính. Với quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đại tá Tuấn cho hay Chính phủ đã thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Tuấn thông tin Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 73 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và thi hành từ ngày 1-7-2023, kéo dài 3 năm.
Một vấn đề khác được người dân quan tâm là trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Việc này nhiều đại biểu cho ý kiến cần tuyên truyền rõ hơn cho người dân hiểu rõ, hiểu đúng về quy định. Đơn cử riêng TP Phủ Lý, Hà Nam có gần 12.400 xe hơi và xấp xỉ 75.000 mô tô, xe máy. Số phương tiện dự kiến tăng từ 5-7%.
Kết luận hội nghị, đại tá Tô Anh Dũng - giám đốc Công an tỉnh Hà Nam - đề nghị ngành công an trong tỉnh tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Đồng thời, công an có trách nhiệm đăng tải đầy đủ nội dung các dự án luật lên Cổng thông tin điện tử để cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, bà con dễ dàng tiếp cận, đóng góp ý kiến.
Qua hội nghị trên, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Công an - cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, trao đổi các vấn đề được đại biểu tỉnh Hà Nam nêu ra về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận