Tình nguyện viên tư vấn tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 và người nhà tại TP.HCM bị rơi vào tình trạng rối loạn lo âu sau điều trị bệnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Với cách làm trực tuyến, có dự án quy tụ hàng trăm người cùng lo chuyện chăm sóc tinh thần cho hàng chục ngàn người có chung nhu cầu được nâng đỡ về tinh thần trong nghịch cảnh.
Và tôi là một trong những người được "gỡ rối tơ lòng" từ những chia sẻ quý giá qua các buổi nói chuyện trực tuyến ấy.
Bạn ơi khỏe không?
"Bạn ơi khỏe không?" (banoikhoekhong.vn) là dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng ra đời vào tháng 8-2021 với nhiều hoạt động trong ba tháng qua. Bắt đầu từ chị Lương Ngọc Tiên, nhà sáng lập One Life Connection, chuyên gia Việt đầu tiên trong lĩnh vực Search Inside Youself (chương trình đào tạo Trí Tuệ Cảm Xúc dựa trên khoa học Thiền tỉnh thức "Tìm trong chính mình").
Nhà đồng sáng lập Bạn ơi khỏe không nghĩ rằng cần có chương trình chăm sóc miễn phí, dễ tiếp cận và dễ thực hành dài lâu cho cộng đồng, nhất là những người bị ảnh hưởng tâm lý trong và sau dịch. Ý tưởng này của chị nhanh chóng được hàng trăm người hưởng ứng, trong đó có sự chung tay của một tập thể chuyên gia tâm lý đang làm việc ở khắp Việt Nam và nước ngoài cùng ấp ủ dự định chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần để nâng đỡ cộng đồng.
"Bạn ơi khỏe không?" (BOKK) đã duy trì những hoạt động thực hành, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm bao gồm: hoạt động mở (các buổi thực hành trong tuần và sự kiện cuối tuần) và hoạt động nhóm (vòng tròn chia sẻ tối thứ ba và thứ sáu).
Tính đến nay, gần 400 buổi chia sẻ thu hút sự tham gia của hơn 12.000 lượt người, BOKK đã mang đến cơ hội nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần mỗi ngày cho cộng đồng, giúp nhiều người tiếp cận kiến thức và thực hành "chữa lành" những thương tổn và rối loạn cho mình và đồng hành chia sẻ với nhau.
Hơn hết, dự án đã nâng dậy tinh thần, nuôi dưỡng và lan tỏa năng lượng bình an, tích cực đến những người xung quanh.
Không chỉ nhu cầu miếng cơm manh áo
Tôi còn nhớ cảm giác xót xa khó tả khi đọc tin hàng ngàn trẻ em bỗng một ngày thành mồ côi khi ba mẹ đột ngột qua đời vì dịch bệnh, là nỗi buồn sâu thẳm của những người lớn cùng lúc mất đi nhiều người thân.
Và trong câu chuyện giữa các nhóm tôi được tham gia có cả tâm tư nặng trĩu về y bác sĩ tuyến đầu, những người ngày đêm cứu người và những bất ổn trong tâm tư những chiến sĩ áo trắng khi ca tử vong quá nhiều và chính họ hằng ngày chứng kiến những giờ phút cuối của bệnh nhân.
Làm sao giúp nhau bằng cách nào? Người Việt chúng ta lâu nay vốn thường tế nhị né tránh những điều liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần, ẩn giấu đi những bất ổn tinh thần? Trong nghịch cảnh nhìn ra cơ hội, thành phố 10 triệu dân phải ở yên trong nhà là điều kiện cho các khóa học online, hội thảo trực tuyến nở rộ.
Thú vui nấu ăn, trồng cây, làm bánh không đủ giúp tôi thoát những ám ảnh, lo âu, bức bối, căng thẳng về nhiều thứ trong cuộc sống riêng.
Sau hơn một tháng tham gia những chương trình được tổ chức trực tuyến, miễn phí nhưng chất lượng cao, tôi đã dần tìm được lời giải cho những cảm xúc khó chịu của mình, tự thân "chữa lành" những thương tổn.
Nhiều người cùng tham gia chương trình, khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, địa phương cư trú, chúng tôi chia sẻ chung những mối bận tâm, nhìn thấy bản thân trong câu chuyện của người khác và cảm thấy được nâng đỡ, chăm sóc, được lắng nghe, được động viên rất nhiều trong các vòng tròn thấu cảm khi nói chuyện trực tuyến cùng nhau.
Có khi chỉ là hướng dẫn chăm sóc hơi thở và lắng nghe sâu để tự trấn tĩnh cũng đủ để 20 người cùng tìm đến bình an hơn.
Thời điểm đó có nhiều tổ chức, nhóm chuyên gia chung tay thực hiện những buổi chia sẻ đi dần vào các chủ đề giá trị sống, về niềm tin, về hạnh phúc bên cạnh các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng dịch.
Hầu hết những chương trình này được tổ chức miễn phí, trực tuyến được thực hiện bởi những chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực tâm lý, y học, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Những chương trình này còn được ghi hình và phát lại trên một nền tảng khác để chương trình được lan tỏa càng nhiều càng tốt, được nghe đi nghe lại nếu cần.
Cần những không gian chia sẻ từ cộng đồng để nâng đỡ tinh thần những người tổn thất sau dịch bệnh - Minh họa: recipesforwellbeing.org
Bạn không đơn độc
Quy mô khiêm tốn hơn nhưng triển khai sớm hơn cả BOKK, các vòng tròn thấu cảm của nhóm chuyên gia Giao tiếp trắc ẩn (giaotieptracan.com) đã thực hiện nhiều chương trình cho cộng đồng từ tháng 6.
Tôi đã tìm thấy ở đó những nỗi niềm trăn trở về việc làm sao đối diện với nghịch cảnh mất người thân, nỗi sợ bị nhiễm bệnh cùng cả những băn khoăn sống chung với gia đình thế nào trong thời gian dài gián đoạn giao tiếp với bên ngoài. Mỗi người đều có cơ hội nói về những thử thách, khó khăn của mình mà không bị xem như những "bệnh nhân".
Ngồi lại với nhau trên mạng để được lắng nghe, được thấu hiểu, được gợi mở trong một không gian online an toàn và tìm thấy nhẹ nhõm khi mình không đơn độc với những rối rắm tinh thần đang vướng phải.
Nhiều người quen của tôi chia sẻ nhau những địa chỉ khác trên mạng để cùng đến với nhau, lắng nghe và nâng đỡ tinh thần.
Ai có nhu cầu được nâng đỡ tinh thần?
Trong 12.000 lượt người tham gia các chương trình dự án BOKK có 6.000 người ở TP.HCM, 2.000 người Hà Nội. Gần 10.000 lượt người trong số này là phụ nữ. Độ tuổi tham gia có 4.500 lượt người từ 25-34 tuổi; 2.300 lượt người từ 35-44 và có 2.000 người rất trẻ (18-24) tham gia các chương trình chia sẻ này.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần: đừng xem nhẹ
Người Việt mình chưa có nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe, nhất là tâm thần như: cần làm gì, hỏi ai, cách thức nào mà không phải dùng thuốc. Mọi người chỉ tìm đến bác sĩ, chuyên gia khi đã mắc bệnh và cần chữa bệnh, chứ chưa có nhận thức phòng bệnh.
Chưa kể các hình thức chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện vẫn còn khó tiếp cận, không biết ai tin cậy để mà giới thiệu. Nhờ BOKK, bản thân tôi cũng như cộng đồng được biết và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần như khai vấn, yoga, thiền... của nhiều chuyên gia trên khắp Việt Nam.
(Coach Lương Ngọc Tiên)
Trăm kiểu bất ổn
Ở những vòng tròn chia sẻ, có sự hối hận vì đã không dành nhiều thời gian chăm sóc cho người thân, sự nuối tiếc khi mãi lần lữa cuộc hẹn với một người bạn thân để rồi mới đây nhận tin họ đã ra đi vì COVID.
Tôi cũng nghe thấy những nỗi niềm trăn trở làm sao đối diện với những khó khăn và áp lực giữa mưu sinh và an toàn sức khỏe cho cả gia đình, được chứng kiến những giọt nước mắt vì nỗi đau chia ly.
Có những nỗi lo tương lai sống làm sao khi vừa bị cho thôi việc. Đi kèm những cảm xúc khó chịu này là những biểu hiện trên cơ thể.
Có người bị tức ngực, khó thở mỗi khi nghe thấy ai đó nhắc về số ca tử vong, ca bệnh mới. Có người cáu gắt vô cớ, nổi giận bất chợt khi con cái liên tục yêu cầu được ra ngoài chơi.
Cũng có người nhốt mình trong phòng, nằm ỳ trên giường, miệng đắng, bụng đói nhưng không có cảm giác thèm ăn.
Có những người phải đối diện với các cơn đau dạ dày, nhức đầu, mất ngủ, rụng tóc, giật mình/hoảng sợ vô cớ. Cũng có người mắc chứng rối loạn lo âu bằng cách lau chùi dọn dẹp nhà cửa sạch kin kít hay rửa tay quá nhiều lần, cắn móng tay đến chảy máu...
Họ chẳng biết nói ra những suy nghĩ rối như tơ vò với ai, bèn tự mình loay hoay trắng đêm mà chẳng tìm thấy lối ra.
Hoặc nếu ai đó gom được chút dũng khí bày tỏ mình cảm thấy tệ thế nào với người khác thì nhận lại "Dở hơi à, có cơm ăn, có nơi ngủ đã sướng hơn bao người rồi!". Thế là tắc tị, thế là cứ nén lại, người căng như bóng sắp nổ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận