Nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh: thi là rớt

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Chuyện nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh đang là vấn đề nóng tại khu vực ĐBSCL trong những ngày qua. Cũng như Bến Tre, các giáo viên tiếng Anh tại Đồng Tháp đang lo lắng đi học để mong đạt chuẩn.

JjWGPiyt.jpgPhóng to
Một lớp bồi dưỡng nâng chuẩn tiếng Anh của tỉnh Đồng Tháp do giáo viên nước ngoài giảng dạy - Ảnh: Văn Nghiêm

Tại Đồng Tháp, kết quả khảo sát năm 2012 cho thấy toàn tỉnh có 1.187 giáo viên dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học đến THPT. Ở cấp tiểu học có 399 giáo viên nhưng không có giáo viên nào đạt chuẩn B2 theo quy định. Còn cấp THCS có 591 giáo viên nhưng chỉ bốn giáo viên đạt chuẩn. Riêng cấp THPT có 297 giáo viên nhưng chỉ 12 giáo viên đạt chuẩn.

Chi tiền tỉ cho bồi dưỡng vẫn không đạt

Trước thực trạng này, năm 2012 Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã tổ chức cho 662 giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh các cấp học. Sở ký kết với năm đơn vị tham gia bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh gồm: Trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ, Trung tâm AMA, Trung tâm SEAMEO và một tổ chức của Malaysia. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 27 giáo viên đạt chuẩn B2 và ba giáo viên đạt chuẩn C1. Trong đó Trung tâm AMA bồi dưỡng cho 180 giáo viên hai cấp tiểu học và THCS nhưng sau khóa học, số giáo viên đạt chuẩn B2 chỉ có... hai người.

Rớt vì... học giáo viên nước ngoài

Theo một giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THCS huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đạt chuẩn B2 ngay trong lần đầu tham gia lớp bồi dưỡng, nguyên nhân giáo viên tiếng Anh bị rớt là do họ quen với cách thi theo kiểu học gì thi nấy. Trong khi đó, giáo trình và phương pháp giảng dạy của giáo viên (người nước ngoài) đều dưới dạng mở. Họ cung cấp kiến thức và đặt câu hỏi theo kiểu hiểu kiến thức để giải quyết bài thi, nên giáo viên nào học và thi theo cách cũ thì không đạt là đương nhiên.

TH.TÚ

Đến năm 2013, Sở GD-ĐT Đồng Tháp tiếp tục đưa 819 giáo viên đi học bồi dưỡng, kết quả tuy có khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể, chỉ có 56 giáo viên cấp tiểu học và THCS đạt chuẩn B2 và 14 giáo viên THPT đạt chuẩn C1 (bảy giáo viên đạt chuẩn là do đi học tự túc). Trong lần thi này, Trung tâm AMA lại “đội sổ” tiếp khi có 335 giáo viên cấp tiểu học và THCS theo học nhưng kết quả... không có giáo viên nào đạt chuẩn B2.

Như vậy, trong hai kỳ thi của năm 2012 và 2013, có tổng cộng 1.581 lượt giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng. Nếu trừ đi con số 163 giáo viên đi học theo diện cá nhân thì ngân sách đã bỏ ra đến 14 tỉ đồng (trung bình mỗi giáo viên 10 triệu đồng).

Năm 2014, Sở GD-ĐT Đồng Tháp tiếp tục lên kế hoạch bồi dưỡng cho 431 giáo viên nhằm đạt chuẩn tiếng Anh. Và chi phí tính sơ đã ngót 4,3 tỉ đồng. Tỉnh cũng đưa ra lộ trình đến năm 2015 sẽ có 950 giáo viên đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định.

Không đạt chuẩn phải làm việc khác

Theo bà Trần Thị Thái - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tuy kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm học 2012-2020 nhưng đến năm học 2017-2018, giáo viên nào được khảo sát ba lần mà vẫn chưa đạt chuẩn để bồi dưỡng ở cấp độ tiếp theo sẽ không được tham gia bồi dưỡng, khảo sát tiếp và được sắp xếp, phân công nhiệm vụ khác hoặc tinh giản.

Trong khi đó ông Hồ Văn Thống, giám đốc Sở GĐ-ĐT Đồng Tháp, cho rằng giáo viên không nên băn khoăn quá mức trong chuyện này. Trên thực tế để đạt chuẩn châu Âu không phải dễ, nhất là trong điều kiện thời gian học quá ngắn, giáo viên phải vừa học vừa dạy nên rất khó để đạt kết quả như mong muốn.

“Hiện nay cũng có một số giáo viên đang có dự định học từ xa môn khác để “trốn” môn tiếng Anh, chuyển sang dạy môn khác. Khi nghe có việc này tôi sẽ làm văn bản gửi các trường để trấn an họ. Vấn đề là giáo viên phải tự có ý thức rèn luyện kỹ năng để nâng cao năng lực, trình độ của mình. Không phải không đạt thì họ sẽ bị này nọ, tùy vào điều kiện thực tế sở sẽ có ý kiến, tham mưu với tỉnh” - ông Thống nói.

Cô N.T.L. - một trong những giáo viên dạy THPT tại huyện Hồng Ngự, đã thi ba lần chưa đậu - lo lắng: “Để đạt chuẩn C1 rất khó. Tôi đang lo năm nay không đạt chuẩn nữa thì không biết lấy tiền đâu để học và không biết có bị điều chuyển công tác khác, không được đứng lớp nữa hay không?”. Trăn trở của cô L. cũng là vấn đề làm đau đầu hàng trăm giáo viên tiếng Anh tại Đồng Tháp hiện nay.

Vĩnh Long: không gây áp lực cho giáo viên

Ông Lý Đại Hồng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết theo khảo sát đến nay tỉnh đã có 167/610 giáo viên tiểu học, THCS đạt chuẩn B2 (27,37%) và 29/267 giáo viên THPT đạt chuẩn C1 (hơn 10%).

Theo ông Hồng, từ năm 2012, Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại VN (SEAMEO RETRAC - trụ sở tại TP.HCM) và Trường đại học Cần Thơ là hai đơn vị cung cấp giáo trình, giáo viên đứng lớp nâng chuẩn tiếng Anh tại Vĩnh Long. Kết thúc mỗi khóa học các giáo viên sẽ thi để lấy chứng chỉ, giáo viên nào không đạt sẽ tự túc kinh phí học lại hoặc thi lại. “Sở cũng thống nhất quan điểm không gây áp lực bằng cách đưa ra chế tài liên quan đến việc đánh giá thi đua tại trường của giáo viên” - ông Hồng nói.

THÚY HẰNG

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên