Theo đó, về phân bổ mạng lưới y tế, sẽ có hai nhóm bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng (ví dụ Bệnh viện Đa khoa Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang đảm nhận chức năng bệnh viện vùng trung du - miền núi phía Bắc; Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk đảm nhận vùng Tây Nguyên; TP.HCM đảm nhận vùng Đông Nam Bộ...).
Nhóm các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh như chuyên khoa ung bướu ở Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; chuyên khoa tim mạch ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ; chuyên khoa sản - nhi ở Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; chuyên khoa phục hồi chức năng tại TP.HCM, Nghệ An; chuyên khoa truyền nhiễm - nhiệt đới ở TP.HCM, Khánh Hòa... đảm nhận chức năng bệnh viện chuyên khoa vùng.
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ nâng cấp các bệnh viện trường đại học thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại ngang tầm khu vực. Hiện đã có Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội...
Tới đây Bệnh viện Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động thêm một cơ sở mới được đầu tư hiện đại.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển bệnh viện tư nhân chuyên sâu kỹ thuật cao, mở rộng quy mô giường bệnh tư nhân chiếm 10% vào 2025, 15% vào 2030.
Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác cũng đầu tư xây dựng hai trung tâm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh tại Thái Nguyên và Đắk Lắk, nâng cấp sáu trung tâm tương tự tại Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Cần Thơ và Bệnh viện Lão khoa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2026 - 2030.
Sau 2030 sẽ xây dựng hai trung tâm phức hợp y tế chuyên sâu dự kiến tại Bắc Ninh và Long An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận