Chị Đào Thị Hồng Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị chiếm đoạt sim và mất hơn 200 triệu đồng từ ngân hàng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Chị Nga cho biết ngày 10-12-2021 chị nhận được điện thoại từ số lạ giới thiệu gói chuyển mạng sim 5G. Không nghi ngờ gì, chị đã làm theo hướng dẫn của người lạ.
"Tôi nhận được điện thoại của số lạ giới thiệu gói chuyển mạng sim 5G của mạng MobiFone. Tôi nghĩ nếu chuyển lên sim 5G sẽ giúp mình truy cập mạng nhanh hơn nên đồng ý.
Đầu dây bên kia hướng dẫn tôi thực hiện cú pháp đổi sim. Tôi làm theo hướng dẫn, soạn tin nhắn gửi đến đầu số của mạng MobiFone, sau đó số máy lạ tiếp tục gọi hướng dẫn chuyển sim cũ sang sim 5G. Lúc đó không cảnh giác gì nên tôi làm theo hướng dẫn của người đó", chị Nga kể lại.
Hơn 1 giờ sau, khi cần chuyển khoản, chị Nga không truy cập được vào tài khoản của mình, ngân hàng báo mật khẩu đã thay đổi. Sim sử dụng đăng ký với ngân hàng cũng bị mất sóng.
Tá hỏa không hiểu lý do vì sao, chị Nga kiểm tra lại điện thoại thì thấy nhiều biến động số dư từ app banking gửi về.
"Lúc đó tôi rất hoảng loạn, không hiểu vì sao tiền trong tài khoản ngân hàng biến mất. Phải mất một lúc tôi mới trấn tĩnh được và nghĩ đến việc vừa nâng cấp sim theo hướng dẫn của người lạ. Tôi bị chiếm đoạt sim và rút hết số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản", chị Nga nói.
Chị Nga nhanh chóng gọi đến ngân hàng để khóa tài khoản, trình báo Công an quận Đống Đa, liên hệ với MobiFone để làm rõ việc mất sim điện thoại.
Tương tự như chị Nga, gần đây nhiều người bị lừa với chiêu thức tương tự và đã đăng lên Facebook cảnh báo.
Chị D.T.H. (Hà Nội) kể chị nhận được 1 cuộc gọi điện thoại từ số lạ tự xưng là nhân viên MobiFone gọi tới tư vấn chuyển sim từ 3G lên 4G. Người này đọc số CMND và ngày tháng năm sinh của chị H. để xác minh và giúp chuyển sim trên hệ thống. Sau đó, người này yêu cầu chị đọc mã OTP mà Mymobifone gửi về. Cảnh giác, chị H. nói không tiết lộ mã OTP.
"Nhưng người này nói tin nhắn được nhắn từ Mymobifone thì sao lừa được và OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp sim điện thoại. Lúc này tôi chủ quan, nghĩ họ có thông tin cá nhân của mình, tin nhắn thì từ Mymobifone, nên chắc không phải lừa đảo. Và nếu lừa thì chắc cùng lắm mất hết tiền trong điện thoại, rủi ro thấp, nên tôi đọc mã OTP cho bên kia", chị H. chia sẻ.
Ngay sau đó, sim điện thoại của chị H. bị khóa, không gọi điện, nhắn tin được. Chị kiểm tra tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền đã biến mất.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội - đánh giá đây là loại hình lừa đảo mới, người dân cần cảnh giác.
Theo ông Yêm, nếu chỉ có sim điện thoại thì đối tượng không thể lấy được tài khoản. Việc chiếm đoạt tài khoản dựa vào 3 yếu tố, đó chính là lấy sim, số tài khoản ngân hàng và cuối cùng là bảo mật của các ngân hàng.
"Khi các đối tượng có được sim điện thoại sẽ có những thông tin ngày tháng năm sinh, tên, quê quán của người bị lừa đảo. Sau đó, bằng công nghệ, sẽ biết được tài khoản ngân hàng rồi sử dụng sim điện thoại có được để phá bỏ các bảo mật", trung tướng Yêm thông tin.
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm khuyến cáo, cuối năm việc giao dịch ngân hàng khá phổ biến, người dân cần nâng cao cảnh giác.
"Có 3 vấn đề chính, thứ nhất không để người lạ chụp lại chân dung, căn cước công dân. Thứ hai việc nâng cấp sim điện thoại không nên làm qua mạng mà đến trực tiếp điểm giao dịch của nhà mạng.
Thứ ba là bảo mật của ngân hàng, hiện có sinh trắc hay smart OTP, người dân nên nâng cấp việc bảo mật của tài khoản ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt.
Nếu người dân phát hiện biểu hiện lạ cần dừng mọi giao dịch, báo ngay cho ngân hàng và cơ quan công an", ông Yêm nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận