26/01/2019 08:30 GMT+7

Nâng cấp kiều hối

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Kiều hối - chuyển tiền một chiều - không còn phù hợp với nhu cầu mới là 'vay, mượn - trả', đòi hỏi phải cho chuyển tiền hai chiều.

Năm 2018, kiều bào chuyển về 18,9 tỉ USD, trong đó TP.HCM trên 5 tỉ USD. 70% lượng dùng vào sản xuất, kinh doanh.

Dù có ý kiến khác nhau về con số này, nhưng bức tranh kiều hối luôn có điểm chung: tiền chuyển về năm sau luôn cao hơn năm trước và liên quan mật thiết đến chính sách kinh tế ở trong nước. Đó là điều phải suy nghĩ để có chính sách khơi thông nguồn lực từ kiều bào hợp lý hơn.

Kiều hối đã đa dạng hơn. Từ chỗ chủ yếu do người Việt định cư ở các nước phương Tây, sau này có thêm ở Đông Âu và gần đây là người đi xuất khẩu lao động ở châu Á, Trung Đông...

Nước luôn chảy vào chỗ trũng. Kiều hối cũng thế, tùy thuộc vào chính sách kinh tế, môi trường kinh doanh. Trước đây, lãi suất USD trong nước khá cao, Việt kiều đã chuyển tiền về Việt Nam để người thân gửi tiết kiệm. Thị trường bất động sản được hâm nóng bởi dòng vốn từ kiều hối - như nhận định của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM. Nhiều người trong nước mua xe kinh doanh, mở cửa hàng, mua chứng khoán... từ tiền mượn, vay của người thân ở nước ngoài.

Để khuyến khích, Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi cho kiều hối như không đánh thuế thu nhập người nhận kiều hối, được nhận bằng ngoại tệ. Nhờ vậy người chuyển kiều hối không phải băn khoăn, tiền gửi về người thân nhận đầy đủ, nhanh chóng và dễ dàng.

Tuy nhiên, tiền kiều hối là ngoại tệ chuyển qua ngân hàng, pháp luật chỉ cho chuyển tiền một chiều, người ở nước ngoài chuyển về cho người trong nước, kể cả cho mượn, vay cũng không được chuyển ngược ra nước ngoài qua ngân hàng để trả. Điều này phù hợp với nhiều năm trước khi kinh tế khó khăn, nhiều người trong nước cần trợ giúp từ kiều bào. Nay chính sách kinh tế cởi mở đã tạo cơ hội cho mọi người bung ra làm ăn. Từ chỗ thiếu nhiều thứ, nay thứ thiếu nhất là vốn liếng.

Trong khi đó, Việt kiều sau nhiều năm định cư ở nước ngoài đã ổn định cuộc sống, có của để dành. Họ muốn giúp người trong nước làm ăn, kể cả hùn hạp và mong có ngày thu lại vốn đã bỏ ra. Họ chưa thể đầu tư về nước quy mô lớn như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nhưng trên thực tế dòng tiền từ nước ngoài về qua đường kiều hối không chỉ dừng ở "cho", mà còn cả cho mượn, cho vay, hùn hạp làm ăn. Do vậy, kiều hối - chuyển tiền một chiều không còn phù hợp với nhu cầu mới là "vay, mượn - trả" - đòi hỏi phải cho chuyển tiền hai chiều.

Tình hình mới phải có chính sách mới. Cần một hành lang pháp lý mới để người trong nước có thể vay mượn của Việt kiều hoặc nhận hùn hạp làm ăn. Mở ra hình thức này, Việt kiều sẵn lòng mở hầu bao vì tiền của họ chuyển về cho vay, cho mượn sẽ được pháp luật bảo vệ, có thể thu hồi.

Còn hiện nay khi cho mượn tiền, hùn hạp, chủ yếu là thỏa thuận miệng, chuyển dưới hình thức kiều hối, có nhiều rủi ro, tiền đi khó về, nhiều trường hợp bị mất nhưng không được pháp luật bảo vệ.

Nguồn lực của kiều bào nhìn dưới góc độ quản lý vẫn là nguồn lực nước ngoài. Nhà nước đã có nhiều đổi mới để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng với nguồn lực kiều bào, có lẽ chiếc áo chính sách đã cũ và quá chật.

Hãy trả lại kiều hối đúng nghĩa và hình thành chính sách mới để khơi dậy nguồn vốn từ kiều bào, một hình thức "thu hút đầu tư nước ngoài trong người Việt" mà cả Việt kiều và người trong nước cũng được lợi.

Kiều hối năm 2018 ước đạt 15,9 tỉ USD

TTO - Tính từ năm 1993 đến năm 2018, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt 143 tỉ USD, trong đó năm 2018, ước đạt 15,9 tỉ USD. Hiện nay có khoảng 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đầu tư về nước với số vốn 4 tỉ USD.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên