09/06/2015 11:26 GMT+7

Việt Nam thành công trong việc hút vốn đầu tư nước ngoài

Q.TRUNG - C.V.KÌNH
Q.TRUNG - C.V.KÌNH

TTO - Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã nêu ra những kiến nghị, đề xuất nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU là cách tốt nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận bền vững vào thị trường này

Tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2015 (VBF) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” ngày 9-6, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã nêu ra những kiến nghị, đề xuất nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự diễn đàn có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh.

Tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phát biểu tại diễn đàn, bà Sherry Boger, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho biết Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hưởng lợi từ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ các nhà máy FDI.

Theo bà Sherry, năm 2015 năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại VN nhìn chung còn yếu để có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI. Chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan.

Chỉ có 21% các SMEs ở Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của SMEs trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.

“Phát triển kinh tế xã hội trong tương lai sẽ phụ thuộc khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để chúng ta có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn và công nghệ trên thế giới, tiếp cận thị trường toàn cầu" - bà Sherry nhấn mạnh.

Theo bà Sherry, Việt Nam cần phải ban hành pháp luật mới về SMEs và lựa chọn năm lĩnh vực công nghệ để phát triển các cụm công nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị, bao gồm: điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, du lịch.

Ngoài ra, theo bà Sherry, Chính phủ Việt Nam cũng phải ban hành các kế hoạch hành động bao gồm hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, giúp chính phủ và các doanh nghiệp xác định chính sách ưu đãi để phát triển SMEs thành công và các yêu cầu cho việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu về tăng cường hỗ trợ các cụm công nghiệp.

Lo ngại về lao động

Ông Tomaso Andreatta, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ ra sáu vấn đề trọng tâm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do, giáo dục và đào tạo, quyền sở hữu trí tuệ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tính cạnh tranh của thị trường, thủ tục tư pháp và phát triển cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công - tư.

Đại diện Euro Cham đặc biệt bày tỏ quan ngại về lực lượng lao động ở Việt Nam. “Có thể khẳng định rằng Việt Nam có một lực lượng lao động đầy tiềm năng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn hướng tới các ngành kỹ thuật và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, chúng tôi tin rằng cần có lực lượng lao động được đào tạo một cách phù hợp" - ông Tomaso phát biểu.

Theo ông Tomaso, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Trong một cuộc khảo sát của báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014-2015, hơn 10% số người được chọn năm vấn đề khó giải quyết cho việc kinh doanh tại VIệt Nam xác định rằng lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ là một trong những vấn đề chính.

Cụ thể theo EuroCham là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch và khách sạn. Do vậy, theo ông Tomaso, việc cải thiện giáo dục và đào tạo có thể đem lại mức tăng trưởng cao hơn và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp độ khu vực.

Trong khi đó theo bà Sherry Boger, để góp phần thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải có một hệ thống giáo dục hiện đại tạo ra các nguồn năng lực sinh viên tốt nghiệp đủ kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng làm việc, đồng thời phát triển các nghiên cứu sáng tạo cho lĩnh vực sản xuất, các quy chuẩn nguyên tắc thực hành kế toán được chấp nhận trên toàn cầu, các thủ tục hành chính thuế được sắp xếp hợp lý và minh bạch...

Thiếu minh bạch là căn bệnh trầm kha 

Theo bà Sherry Boger, chủ tịch AmCham, thiếu minh bạch đã trở thành căn bệnh trầm kha và phổ biến, đe dọa đến tổng thể nền kinh tế và xã hội.

“Chính phủ đã có một số hành động nhưng giờ là lúc giải quyết vấn đề thiếu minh bạch trên quy mô lớn hơn thông qua việc triển khai các hệ thống loại trừ cơ hội thanh toán bất hợp pháp cũng như áp dụng đạo luật tương tự đạo luật chống tham nhũng tại nước ngoài của Hoa Kỳ (FCPA) và đạo luật chống hối lộ của Anh.

Cần một bước tiến quan trọng là triển khai những hành động nhằm hạn chế việc sử dụng các khoản thanh toán bằng tiền mặt và giao dịch thanh toán trực tiếp, đẩy mạnh sử dụng thương mại điện tử ở Việt Nam" - bà Sherry nói.

Bà Sherry cũng đề xuất sửa đổi thông tư 20 liên quan đến nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Bà Sherry cho biết tại các cuộc họp ở cả TP.HCM và Hà Nội, các doanh nghiệp đồng loạt phản đối thông tư 20 với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất bằng cách “khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được sản xuất với công nghệ mới nhất”.

Đại diện AmCham giải thích thêm thương mại toàn cầu trong lĩnh vực thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang phát triển, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn, vì nhà đầu tư có thiết bị đã sử dụng chất lượng tốt thường muốn chuyển thiết bị từ một trong những nhà máy hiện tại của mình ở nước khác sang Việt Nam, chứ không muốn mua thiết bị mới. 

Q.TRUNG - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên