* Quỹ bảo trì đường bộ: không đền bù tai nạn do đường xấu
Phó thủ tướng ghi nhận công tác xây dựng cơ bản của Bộ GTVT đạt được nhiều kết quả, khánh thành khởi công nhiều công trình. Tuy nhiên, “dù có khen nhau nhưng vẫn thấy nhiều vấn đề rất kém cả về chất lượng, kết quả”. Do đó, cần nâng cao chất lượng từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, các chủ thể tham gia thực hiện dự án bằng tiêu chí hóa để đánh giá. “Bộ GTVT là một trong những bộ lớn nhất đầu tư xây dựng. Nếu không đi vào quản lý thực chất thì sẽ thành kém và quản lý yếu nhất. Người ta làm hai năm, anh làm bốn năm rồi đổ hết cho khách quan như thời tiết, dân không bàn giao mặt bằng, nhưng cơ chế thị trường người ta không cần biết khó khăn kiểu gì mà chỉ cần biết bỏ ra một đồng tiền thì thu về được bao nhiêu” - Phó thủ tướng nói.
Dù có cải thiện về tình trạng ùn tắc ở đô thị, nhưng theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, vẫn cần thực hiện quyết liệt giải quyết vấn đề này. “Theo báo cáo của Hà Nội và TP.HCM, công tác chống ùn tắc giao thông chưa có tiến bộ gì nhiều. Đất cho giao thông tĩnh ở hai thành phố vẫn dưới 1%, con số này được báo cáo cách đây năm năm bây giờ vẫn thế. Tỉ lệ giao thông công cộng cũng tăng chậm, trước đây 7%, nay chỉ mới đạt hơn 10%” - Phó thủ tướng chỉ rõ.
2013 là Năm an toàn giao thông và kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Ngoài việc thực hiện các mục tiêu xây dựng cơ bản, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương so với năm 2012.
* Bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Quỹ bảo trì đường bộ không nói gì tới chuyện tai nạn. Lâu nay, bất kể tai nạn nào xảy ra đều phải phân tích nguyên nhân, trên cơ sở các nguyên nhân đó tìm rõ được trách nhiệm của bên nào. Hiện chúng ta đều có bồi thường trách nhiệm dân sự thông qua các cơ quan bảo hiểm. Quỹ bảo trì đường bộ chỉ phục vụ công tác duy tu, sửa chữa đường” - ông Trường nói.
Về thắc mắc của những người dân vùng sâu vùng xa vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ dù đường sá không tốt, ông Trường cho rằng bất kể người dân nào trong cuộc đời sẽ phải đi rất nhiều tuyến đường, nên việc đóng phí không chỉ cho bản thân sử dụng, mà còn có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Liên quan tới việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, ông Trường cho biết theo quy định, các phường, xã sẽ thực hiện như thu thuế đất và các loại phí khác đối với các hộ dân như lâu nay vẫn thực hiện. Bây giờ giao cho họ thêm nhiệm vụ thu quỹ bảo trì để họ có thể thống kê chính xác số xe máy từng hộ dân và thu thuế xe máy. “Tôi đoán rằng thời gian đầu có thể lúng túng, nhưng một thời gian sau chắc chắn việc thu phí xe máy sẽ thực hiện tốt đẹp. Cái này phải dựa vào sự tự giác của người dân, đồng thời có sự kiểm soát của Nhà nước” - ông Trường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận