14/02/2016 15:16 GMT+7

​Nàng “Bạch Tuyết” và những người lùn

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH ([email protected])

TT - Sài Gòn những năm 1990 có một nhóm nhạc mang tên Chim Cánh Cụt gồm có một nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, biểu diễn ở nhiều sân khấu, kể cả quán bar, vũ trường.

Nàng Bạch Tuyết Thu Minh và các chú lùn - Ảnh do nhóm cung cấp
Nàng Bạch Tuyết Thu Minh và các chú lùn - Ảnh do nhóm cung cấp

Không đơn thuần biểu diễn kiếm tiền, họ đã bảo bọc nhau vượt qua mặc cảm thân phận. Gần 20 năm trôi qua, nhóm nhạc vẫn duy trì. Chúng tôi gặp lại nàng Bạch Tuyết - Nguyễn Võ Thu Minh (40 tuổi) cùng các chú lùn trong căn nhà chung ở đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TP.HCM).

May mắn là khán giả luôn chào đón mình. Qua những buổi diễn, chúng tôi muốn truyền thông điệp đến các chú lùn rằng mọi thứ sẽ khác đi nếu chịu thay đổi và cố gắng. Thế nên trung bình mỗi nơi chúng tôi đi qua lại có một vài chú lùn gia nhập nhóm
NGUYỄN VÕ THU MINH

Chặng đường thiên sứ

Nhắc về ngày cũ, chị Minh thành thật nói rằng chị cũng không giải thích được vì sao mình lại trở thành nàng Bạch Tuyết.

Chị kể với chúng tôi về chú lùn đầu tiên tiếp xúc: “Một buổi tối đi làm về, tôi gặp một chú lùn tên Tuấn cầm xấp vé số thất thểu ngoài đường. Nghe chú kể hoàn cảnh mà mình cứ nghĩ ngợi hoài, vừa thương vừa có gì đó ray rứt cho một kiếp người...”.

Phải làm cách nào xóa đi mặc cảm, giúp các chú lùn như Tuấn có cuộc sống như người bình thường?

Để trả lời câu hỏi này, ít lâu sau chị ngỏ ý mời Tuấn về tá túc trong “lâu đài” của mình: cái kho của một quán quen. Đến năm 1998, khi quy tụ đủ bảy chú lùn, chị quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình: nhóm nhạc Chim Cánh Cụt ra đời.

Sẵn kiến thức học được ở trường sân khấu điện ảnh, chị Minh ngày ngày chỉ cho các chú lùn tập đàn, nhảy, hát múa...

Chị kể: “Những giờ học luôn mướt mồ hôi vì các chú lùn trình độ khác nhau, có chú chỉ quen làm ruộng chặt mía dưới quê, có chú sống khép kín tự kỷ nên việc học mất rất nhiều thời gian”.

Những lúc như vậy, chị Minh vừa đóng vai người chị, người bạn, vừa nhẫn nại tập đi tập lại cho họ. Vài tháng sau, sau khi may xong đồng phục cho công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn, họ đi biểu diễn.

Chị Minh nhớ rõ buổi diễn đầu tiên là ở một nhà hàng. “45 phút tạp kỹ gồm hát, nhảy múa, làm xiếc của nhóm tạo được sự thích thú cho thực khách. Kiếm được tiền từ buổi diễn này, chúng tôi bắt đầu hi vọng” - chị nói.

Thế nhưng khi lo được cuộc sống tạm ổn cho bảy chú lùn trong ban nhạc Chim Cánh Cụt, chị lại nghĩ đến những chú lùn còn ở đâu đó trên khắp đất nước.

Vậy là, ban nhạc quyết định làm một chuyến xuyên Việt, vừa biểu diễn vừa tạo cơ hội cho những chú lùn khác ở khắp đất nước được gia nhập nhóm.

Khi chúng tôi hỏi về khoảng thời gian rong ruổi trên xe đi lưu diễn khắp nơi, chị Minh chia sẻ rằng tuy nhiều vất vả do di chuyển và biểu diễn liên tục nhưng bù lại chị cảm thấy ban nhạc Chim Cánh Cụt giống như một thiên sứ.

Chị nhớ lại: “May mắn là khán giả luôn chào đón mình. Qua những buổi diễn, chúng tôi muốn truyền thông điệp đến các chú lùn rằng mọi thứ sẽ khác đi nếu chịu thay đổi và cố gắng. Thế nên trung bình mỗi nơi chúng tôi đi qua lại có một vài chú lùn gia nhập nhóm”.

Chuyến xuyên Việt tuy không thể ghé qua tất cả các tỉnh thành, nhưng đã giúp nhiều chú lùn dám mơ một giấc mơ rõ hình hài, vượt ngoài thước tấc của họ.

Từ nhà kho cũ, khi nhóm được hơn 12 thành viên, chị Minh thuê nhà ở Q.Gò Vấp cho cả nhóm.

Rồi nhóm lên 20 người, chị nghĩ đến việc phải có một ngôi nhà chung. Lấy tiền dành dụm, vay mượn... chị sửa sang ngôi nhà của gia đình ở đường Đoàn Văn Bơ rồi đưa các chú lùn về ở đến giờ.

Trong “lâu đài” ấm cúng này, chị lưu giữ khá nhiều sổ sách, hồ sơ về các chú lùn. Không cần giở ra, chị vẫn kể chi tiết cho chúng tôi hoàn cảnh từng người: “Chú lùn thứ hai tôi gặp ở Quảng Ngãi, thứ ba ở Q.1, thứ tư ở Gò Vấp... Một số chú lùn bị gia đình ruồng bỏ, không biết đi đâu về đâu. Họ tìm đến tôi như một sự cứu rỗi để thoát khỏi mặc cảm. Thậm chí trước đó, có chú lùn đã tìm đến cái chết bất thành”.

Mới đầu chị không nhận các cô lùn, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, chị đồng ý cho các cô vào ở. Từ đó ngôi nhà tươi vui hơn. Đồ dùng, bậc thang, lối đi... trong nhà cũng được sửa lại cho phù hợp với các chú lùn.

Chị còn làm riêng một căn phòng có quầy bar và “sân khấu” cho các chú tập dượt. Những kỷ lục, thành tích mà nhóm nhạc đạt được, chị treo trân trọng nơi phòng sinh hoạt, cả những bức ảnh của nhóm theo thời gian.

Nhiệm vụ của chúng là nhắc nhớ những ký ức quá đỗi đặc biệt của các thành viên thấp bé trong ngôi nhà này.

Trong ngôi nhà Bạch Tuyết giữa Sài Gòn - Ảnh: Gia Tiến
Trong ngôi nhà Bạch Tuyết giữa Sài Gòn - Ảnh: Gia Tiến

Cuộc đời mới của những chú lùn

Không giống như cậu bé Oskar trong tác phẩm Cái trống thiếc của Gunter Grass quyết định ngừng lớn lên để phản đối thế giới này, các người lùn trong ngôi nhà của Bạch Tuyết không có sự lựa chọn.

Họ phải sống trong thân hình trẻ thơ nhưng gương mặt và tâm hồn già đi mỗi ngày, một phần bị gặm nhấm bởi nỗi mặc cảm. Chị Minh với những cố gắng của mình đã truyền cảm hứng cho họ sống khác đi.

Một trong những “cô lùn” trẻ nhất trong ngôi nhà là Hồ Thị Thanh Thoa (24 tuổi). Cao chừng 1,2m nhưng Thoa trắng trẻo, gương mặt xinh xắn nổi bật.

Thoa kể về ngày vào nhóm: “Tôi ở Bến Tre, lúc nhỏ đã biết người mình không lớn được nữa. 12 tuổi, tôi tình cờ biết nhóm nhạc của má Minh nên đã vẽ hình nàng Bạch Tuyết rồi gửi bưu điện cho má, nhưng má nói tôi còn nhỏ quá”.

Năm năm sau, Thoa nghe tin nhóm nhạc sẽ diễn ở Tây Ninh nên khăn gói đi xem. Rồi cô nhập nhóm tới giờ.

Ngoài giờ đi diễn, Thoa đảm nhận công việc mang tính “văn phòng” trong nhà. Cô nói nếu ngày đó không gặp má Minh và nhóm, không biết cuộc đời cô ra sao. Có lẽ là luôn né tránh và đau khổ khi nghe tiếng gọi “ê, con lùn!” của người đời ném vào tai.

Còn hai anh em Nguyễn Bá Thảo (36 tuổi) và Nguyễn Bá Thành (33 tuổi) vào nhóm 15 năm nay. Năm 1999, từ Hà Tĩnh anh Thảo đón xe vào Sài Gòn kiếm sống. Một người bạn cho anh biết có nhóm nhạc thu nhận các chú lùn.

“Tôi tìm đến nhà má Minh. Má hỏi hoàn cảnh, quê quán rồi nói tôi cứ ở lại nhà. Mấy ngày đầu, dù xung quanh cũng là những chú lùn như mình nhưng tôi thấy rất tự ti, không dám nói năng gì” - anh nhớ lại. 

Chính chị Minh là chiếc cầu nối để anh làm lành với cuộc đời. Anh còn nhớ có lần tập nhạc anh cố lắm nhưng giọng cứ nghẹn lại không hát được. Hôm sau chị Minh đưa cả nhóm đi Thảo cầm viên chơi, dặn quan sát thật kỹ.

Ra về, chị yêu cầu mỗi người kể lại một chuyện mình ấn tượng nhất. Ban đầu lời kể còn ngập ngừng, từ ngữ không chính xác, rồi chị gợi ý, dần dần họ đã có câu chuyện của riêng mình.

“Bằng cách chỉ dẫn từng chút một, chúng tôi tiến bộ dần. Ai thích dương cầm thì tập dương cầm, ai thích chơi trống, hát, làm xiếc, ảo thuật... thì tùy. Chính điều này làm cho nhóm nhạc sinh động và hút mắt người xem” - anh Thảo chia sẻ.

Sau nửa năm, anh Thảo đưa em trai từ quê vào. Từ những người chăn trâu, Thảo và Thành trở thành nghệ sĩ.

Anh Thành bộc bạch: “Cuộc sống tôi thay đổi nhiều lắm. Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng mình đứng hát trên sâu khấu, phía dưới mọi người tán thưởng bằng những tràng vỗ tay và ánh mắt chia sẻ, thay cho sự khinh khi của những ngày cũ”. 

Cùng suy nghĩ với anh Thành, anh Hồ Hoàn Mỹ (49 tuổi) và chị Phạm Thị Tuyết Hồng (39 tuổi) cũng cho rằng chị Minh có vai trò rất lớn đối với cuộc sống của họ. Anh Mỹ cưới chị Hồng năm 2003, hiện có cô con gái 9 tuổi không bị lùn và một bé trai bụ bẫm 8 tháng tuổi.

Một số người lùn khác cũng lấy nhau, có người lấy vợ không lùn như anh Phú, anh Mão, anh Quý...

Chị Minh cười tươi khi nhắc về họ: “Giúp đỡ lúc đầu là một chuyện, chính tôi cũng khâm phục nghị lực của họ. Có người giờ là chủ quán cà phê, chủ tiệm sửa xe, người mở đại lý vé số, có người dạy tiếng Anh, là vận động viên. Cuộc sống không phải sang giàu nhưng đủ đầy và yên ổn”.

Giờ đây, dù sống ở nước ngoài (gia đình không còn ai ở VN), mỗi năm chị Minh vẫn về nước ba tháng để thăm và hướng dẫn đàn hát cho các thành viên mới. Đây cũng là những ngày vui vẻ trong cuộc sống của họ.

Dù hiện tại nhiều chú lùn đã rời khỏi ngôi nhà - lâu đài của họ, họ vẫn hẹn nhau tìm về để sum họp cuối năm.

“Chúng tôi cùng ngồi hoài niệm, kể cho nhau nghe niềm vui lẫn nhọc nhằn của mỗi người, và thêm hi vọng cho những ngày sắp tới. Còn hơn là gia đình nữa” - chị bộc bạch.

Hiện tại, nhóm của chị Minh vẫn thu nhận thành viên. Lúc vắng chị, những chú lùn nhiều kinh nghiệm hơn sẽ chỉ dẫn cho người mới, đối xử với người mới đúng với tinh thần mà ngày xưa họ đã được đón nhận.

Có Internet, liên lạc thường xuyên, chị luôn chỉ dẫn những việc mà các chú lùn chưa rành. Công ty của họ giờ có thêm dịch vụ tổ chức sự kiện, phục vụ hội nghị...

Chị cười hiền: “Không sợ thất nghiệp đâu. Cùng lắm là tự làm nước rửa chén, viết thư pháp để bán như những ngày mới lập nhóm. Miễn là có nhau”.

Anh Hồ Hoàn Mỹ - thành viên nhóm Bạch Tuyết - hạnh phúc bên gia đình của mình - Ảnh: Yến Trinh
Anh Hồ Hoàn Mỹ - thành viên nhóm Bạch Tuyết - hạnh phúc bên gia đình của mình - Ảnh: Yến Trinh

“Không đụng hàng”

Tính đến nay, ngôi nhà của chị Minh đã thu nhận hơn 100 chú lùn. Có người ở một thời gian lại ra riêng, nhiều người đã lập gia đình. Với số lượng lúc nào trong nhà cũng khoảng 20 chú lùn, thu nhập từ việc biểu diễn và tiền tự xoay xở không thể lo đủ cho tất cả.

“Từ những mối quen biết khi đi diễn ở quán bar, cà phê, tôi đưa các chú lùn vào làm thử một số việc trong đó. Ngoài giờ làm việc, các chú lại đi diễn và tranh thủ luyện tập thêm ở nhà” - chị Minh chia sẻ.

Các chú sau một thời gian đã biết tự xin việc cho mình rồi giới thiệu các chú lùn khác vào làm. Một số chủ quán mới đầu ngại ngần, sau vài ngày tỏ ra ưng ý vì các chú siêng năng, lại được khách hàng yêu thích vì “độc lạ” và hiền lành.

Nàng Bạch Tuyết ở ngôi nhà này không chịu cảnh cắn táo độc, nhưng cũng có những hi sinh khó nói bằng lời. Chị Minh kể có lần vừa diễn xong, một cô bé khán giả hồn nhiên hỏi “sao da chị không trắng như trong truyện?”.

Có người ghé nhà thăm lúc chị Minh đang đầu bù tóc rối lo việc nhà, họ buông lời “sao khác với Bạch Tuyết trên sân khấu quá!”.

Chị nói: “Để lo lắng cho chừng đó chú lùn, bản thân mình phải mạnh mẽ, bản lĩnh, phải học đủ thứ chứ không thể trông chờ vào phép mầu. Đến giờ này tôi vẫn học về tâm lý, về quản lý, truyền thông... để có thể làm trọn vai trò đối với các chú lùn và công ty biểu diễn mà chúng tôi đã lập ra”.

Có lẽ chẳng có người phụ nữ nào chưa một lần nghĩ đến mái ấm của riêng mình. Chị Minh trải lòng rằng dù người ta ưng mình (chị cao 1,6m, trắng trẻo, ưa nhìn) nhưng có chấp nhận việc mình cưu mang các chú lùn không.

“Ngày trước khi biết việc làm gàn dở của tôi, gia đình cũng từng phản đối. Giờ nếu người mình thương yêu chấp nhận việc này thì cũng tội người ta bởi người ta đâu phải là mình mà chia sẻ tận cùng với những chú lùn” - chị nói. 

Chị không trông chờ vào hoàng tử nào cả. Điều chị lo nhất chính là khi chị lớn tuổi hay bệnh tật, sẽ không có nàng Bạch Tuyết nào khác để thay thế chị mà lo lắng cho các chú lùn.

Giờ đã là thế hệ chú lùn thứ hai, rồi thứ ba, chị không thể để họ trở lại những ngày khổ đau như xưa nữa. Dường như nhân vật trong câu chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn đã ám lấy cuộc đời chị. Ám mãi mãi!

YẾN TRINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên