“Sống như những đóa hoa” - tiết mục của Trung tâm trẻ mù Nhật Hồng. Ở đây, là hoa hướng dương... - Ảnh: TỰ TRUNG
Thạc sĩ Lê Hồng Vũ Minh, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, xúc động nói: "Thư viện sách nói dành cho người mù dưới cái nhìn của xã hội có thể đơn thuần chỉ là một tổ chức từ thiện dành cho người mù.
Nhưng với chúng tôi, những người mù đã được nhận rất nhiều từ nơi này, chính là gia đình. Người mù đến Thư viện sách nói được nhận sự chăm sóc, che chở, yêu thương như là về chính ngôi nhà của mình.
Người mù chúng tôi thường bảo nhau: Người mù đến Thư viện sách nói chỉ được chứ không mất. Còn người sáng mắt đến Thư viện sách nói phục vụ thì chỉ mất chớ không được".
Phút tưởng nhớ Hướng Dương - Video: TỰ TRUNG
Minh rành rọt giải thích tiếp: "Người sáng mắt đến đây gồm có các tình nguyện viên đọc thu âm sách nói và các ân nhân là để cho đi một phần vật chất, một phần công sức, một phần thời gian của bản thân để cho cả triệu người mù trên cả nước được nhận rất nhiều lợi ích.
Ở nơi đây, có một người chị đã cho đi 20 năm tuổi xuân của mình chỉ để phục vụ người mù mà thôi. Người mù cần sách nói, chị đọc và vận động tình nguyện viên đọc và thu âm, vận động ngân sách để làm sách nói.
Người mù cần trang trải học phí, chị kiếm ân nhân cấp học bổng. Người mù cần vui chơi ở biển, chị vận động ân nhân tổ chức những buổi dã ngoại. Người mù cần giải trí, chị tổ chức thi đấu cờ vua.
Người mù cần tiếp nhận thông tin, chị vận động để tổ chức lớp tin học. Người mù đi lại khó khăn, chị tìm cách tặng gậy dò đường.
Chị đã không bỏ sót bất cứ tâm tư nguyện vọng nào của người mù, đặc biệt học sinh sinh viên...".
Ông Phạm Đức Trung Kiên và Hướng Dương bên cạnh... - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Phạm Đức Trung Kiên, nhà tài trợ đã gắn bó với Thư viện sách nói suốt 20 năm qua, lên sân khấu với một bông hướng dương lớn, cao bằng người trồng trong chậu.
Đứng bên cạnh đóa hoa, ông dí dỏm: "Hướng Dương bên cạnh tôi đây, cô ấy vẫn đang ở đây, cô em gái ngọt ngào bướng bỉnh và đầy quyết tâm của tôi từ 20 năm qua. Tôi biết ai cũng đang nhớ Hướng Dương, nhưng mong mọi người hãy nhớ đến cô trong niềm vui.
47 năm trên đời, 20 năm với người mù, cô đã để lại một gia tài đồ sộ.
Với người mù, cô để lại Thư viện sách nói. Với những người như chúng tôi, cô cho cơ hội để chia sẻ tình yêu và hi vọng, cơ hội đóng góp cho xã hội và con người, và qua đó, cho thêm cơ hội để được sống hạnh phúc hơn.
Nhớ Hướng Dương, hãy phát huy những thành quả của cô, và tiếp tục sự nghiệp của cô... ".
Thầy giáo Lê Đình Ân biểu diễn thao tác trên laptop không màn hình - Ảnh: TỰ TRUNG
Minh chứng cho lời nói của ông Kiên, màn biểu diễn thao tác trên laptop không màn hình của thầy giáo Lê Đình Ân gây ấn tượng mạnh.
Laptop không màn hình là sáng tạo của chính ông Phạm Đức Trung Kiên khi đặt mình vào vị trí của những người mù khi sử dụng máY tính. Laptop với người mù không cần có màn hình, giảm đi ít nhất 1/2 giá thành.
Con người kinh doanh trong ông vận động, đôn đáo đi đặt hàng và những chiếc laptop biết nói không màn hình đặc biệt ra đời, giá chỉ 50 USD, tăng cơ hội tiếp cận lên nhiều lần với người mù còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Được sử dụng trong các lớp học của chương trình "Dạy vi tính cho người mù", chiếc laptop phát huy tác dụng như cánh cửa mở ra thế giới tri thức cho người mù. 140 học viên của 14 lớp đã” tốt nghiệp, và chương trình dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các tỉnh trong năm 2019.
Thư viện Hướng Dương sẽ tiếp tục phát triển”, Ban quản trị Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù, các tình nguyện viên, các ân nhân đồng hành, đại diện UBND TP, Ủy ban MTTQ VN, Hội Người mù đồng lòng nắm tay cam kết bên chiếc bánh sinh nhật tuổi 20.
Cuộc thi viết “Hành trình vượt qua bóng tối” nhận được hơn 500 bài dự thi qua 9 tháng phát động. 20 bài được chọn trao giải. Trong ảnh: Đại diện Ban giám khảo trao giải cho các tác giả - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, trao kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù của Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng 51 ân nhân của thư viện - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại diện gia đình ông Phạm Đức Trung Kiên trao 42 học bổng Hướng Dương đến các sinh viên mù - Ảnh: TỰ TRUNG
Các sinh viên nhận laptop và gậy dò đường - Ảnh: TỰ TRUNG
Các tình nguyện viên đọc sách bên chiếc bánh sinh nhật thư viện. Hướng Dương vẫn trên chiếc bánh ấy - Ảnh: TỰ TRUNG
Tốp ca “Mẹ yêu ơi” trung tâm trẻ mù Huynh Đệ Như Nghĩa trình diễn, bày tỏ tấm lòng nhỡ thương “mẹ Hướng Dương” của các em - Ảnh: TỰ TRUNG
Tốp ca “Những đứa con mặt trời” của Mái ấm Thiên Ân - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận