Nhìn bức ảnh này thấy có điều gì bất thường? Chân dung Tạ Tỵ (chỉ một tư thế) bị ghép vào nhiều tác phẩm khác nhau! Có bức đã bán cách đó đến gần nửa thế kỷ. Loạt ảnh này trong hồ sơ rao bán tranh của xưởng chép tranh Tạ Tỵ giả tại TP.HCM - Ảnh: Hiền Hòa |
Từ trong sáng đến đen tối
Có người đủ dũng cảm và quyết tâm để loại bỏ dần tranh giả - tranh nhái, nhưng có người âm thầm đẩy ra thị trường, phải thỏa hiệp, rồi tay dần dần nhúng chàm.
Nhà sưu tập Hà Thúc Cần rất có công với việc tiến cử, giới thiệu đồ cổ - mỹ thuật Việt ra thị trường thế giới từ đầu thập niên 1990. Có một quãng thời gian ông Jean-François Hubert, ông Vũ Xuân Chung… cũng có cộng tác, thường gián tiếp, với nhà sưu tập này.
Thế rồi qua năm tháng, khi va vấp và bị lừa bởi đồ giả quá nhiều, chính ông Hà Thúc Cần cũng rất mang tiếng về chuyện tranh giả - tranh nhái.
Jean-François Hubert cũng vậy, có thể thời kỳ đầu là một cố vấn trong sáng, nhưng càng về sau càng dính đến nhiều vụ lùm xùm.
Vào cuối tháng 5-2016, nhà đấu giá Christie's tại Hong Kong đưa bức Thuyền trên sông Hương (sơn dầu trên bố, 50 x 65 cm, 1935) của Tô Ngọc Vân lên sàn đấu. Ngay lập tức nhiều người phát hiện có một phiên bản khác được in trong nhiều sách tại Việt Nam.
Một Facebook chỉ ra sự kém chất lượng trong bức mà nhà Christie's đưa ra, Jean-François Hubert (người gởi tranh đi) đe dọa sẽ khởi kiện. Thế rồi sự việc Vũ Xuân Chung đổ bể mới đây.
Jean-François Hubert - Ảnh tư liệu TT |
Không tính các họa sĩ thời kỳ đầu chủ động chép tranh mình, đã quá rõ, ngay cả các họa sĩ còn sống thuộc các thế hệ sau như Trần Lưu Hậu, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… cũng đang bị nạn tranh giả - tranh nhái tùm lum.
Có ý kiến nói rằng họ bị oan, nhưng đôi khi cũng có bức do người thân người quen làm càn, rồi cũng có bức chính họ liên đới. Gần đây trên thị trường xuất hiện một số tranh in rồi vẽ thêm và ký tên là những ví dụ dễ thấy.
Có phòng tranh còn kêu họa sĩ và người làm chứng ra để trả lại các tranh in kiểu này, bắt vẽ tranh khác để đền bù.
Họa sĩ Thành Chương xem bức tranh Trừu tượng (mà ông cho là của mình) được ký tên tác giả Tạ Tỵ treo trưng bày ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 7-2016 - Ảnh: HỮU KHOA |
Đến nay dư luận vẫn râm ran về việc tranh của Thành Chương bị ký tên Tạ Tỵ treo trưng bày ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 7-2016.
Nhưng nếu biết hiện nay có một vài xưởng tại TP.HCM đang làm tranh giả - tranh nhái Tạ Tỵ thì chắc nhiều người sẽ sốc hơn nữa.
Một nhân viên bảo vệ của một bảo tàng có xưởng bên quận 7 vẫn đang chào bán khá nhiều “danh tác” giả của Tạ Tỵ.
Từ đầu thập niên 1990, khi Liên Xô cùng khối Đông Âu tan rã, nhiều bức tranh ngoại giao trở ra thị trường, xem như là những đại diện “tiêu biểu” của tranh Việt trên thị trường quốc tế.
Hai thập niên kế theo, chính các đại diện này cùng những xưởng tranh giả - tranh nhái trong nước đã tuồn ra thị trường không biết bao nhiêu câu chuyện tinh vi.
Từ sau 2010 tranh giả - tranh nhái cùng các giấy chứng nhận, hoặc từ các phiên đấu giá bắt đầu trở về Việt Nam. Đúng là “gậy ông đập lưng cháu ông”.
Nhưng gần mực thì đen. Ngày trước thói hư tật xấu này chỉ có một vài khu vực chịu tác động trực tiếp, hiện nay lan rộng ra cả nước.
>> Kỳ 2: Trong sáng và đen tối
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận